Mục lục bài viết
Tất cả những mối quan hệ của chúng ta, dù có thân thiết cỡ nào đi chăng nữa cũng sẽ có lúc xảy ra mâu thuẫn, bởi chúng ta không thể bắt ép người khác chung quan điểm và suy nghĩ với mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào bất đồng quan điểm nào cũng gây ra hệ quả tiêu cực. Khi chúng ta biết cách giải quyết mâu thuẫn thông minh và hiệu quả thì chính nó lại là chất xúc tác giúp đôi bên ngày càng hiểu rõ nhau hơn.
Dù nguyên nhân mâu thuẫn là gì, hãy áp dụng ngay 8 kỹ năng dưới đây để tìm lại tiếng nói chung, đồng thời giúp cho mối quan hệ thêm phần gắn kết nhé.
Tất cả các mâu thuẫn dù nhỏ hay lớn, dù là xuất phát từ bên trong hay bên ngoài con người thì đều có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều trường hợp mâu thuẫn nhỏ nhỏ, chẳng hạn như việc hai người đi ăn, người thì thích quán ăn này, người thì thích quán ăn kia xong không ai chịu nhường ai, thế là cãi nhau. Người trong cuộc thì lại cho rằng “Đây chỉ chuyện nhỏ thôi” nên cứ kìm nén trong lòng, không nói ra.
Mặc dù im lặng là vàng nhưng im lặng lại không phải là cách giải quyết mâu thuẫn hiệu quả. Nếu cả hai cứ mãi im lặng, đến khi dồn nén tích tụ lâu ngày, nó giống như giọt nước tràn ly, chỉ cần một xung đột rất nhỏ như một câu nói bất lịch sự cũng có thể dẫn đến đổ vỡ mối quan hệ, thậm chí là án mạng. Vì vậy hai bạn cần chọn một thời điểm và không gian nào đó thích hợp để nói chuyện trực tiếp với nhau. Và câu hỏi được không ít người quan tâm là “Nên chọn thời điểm nào để giải quyết mâu thuẫn?”.
Thời điểm tốt nhất là 1-2 giờ sau khi kết thúc cuộc cãi vã. Đây là khoảng thời gian vừa đủ để hai bạn bình tĩnh và suy nghĩ vấn đề một cách thấu đáo. Tuy nhiên bạn không nên để qua ngày hôm sau mới nói lại vấn đề này. Ngoài ra, về không gian, bạn cũng cần tìm một nơi yên tĩnh và chắc chắn không có nhân tố thứ ba xuất hiện làm gián đoạn cuộc trò chuyện của hai bạn.
Sau khi cả hai bên gặp nhau ở một nơi an toàn và riêng tư, hãy để mỗi bên có cơ hội nói rõ quan điểm và nhận thức của mình về vấn đề đang bàn. Chúng tôi hiểu lúc này có thể bạn vẫn cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm, nhưng hãy lắng nghe đối phương một cách cẩn thận. Đây chính là mẹo quan trọng nhất để giải quyết xung đột thành công.
Một mẹo khác mà bạn có thể áp dụng là cho mỗi bên thời gian 7-10 phút để bày tỏ suy nghĩ và mối quan tâm của mình, người còn lại chỉ ngồi lắng nghe chứ không được nói bất cứ điều gì. Thực hiện cách tiếp cận này sẽ khuyến khích cả hai bên nói rõ suy nghĩ của mình một cách cởi mở và trung thực, cũng như hiểu được nguyên nhân của xung đột.
Sau khi lắng nghe quan điểm của cả hai bên, hãy dành thời gian nhìn nhận lại vấn đề và điều tra nguyên nhân vụ việc. Đừng cố áp đặt hoặc đưa ra kết luận cuối cùng dựa trên suy nghĩ tiêu cực của bản thân vào thời điểm nhạy cảm này. Thay vào đó hãy đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để tìm hiểu sâu hơn về diễn biến vụ việc và các bên liên quan.
Thời điểm cả hai bên ngồi lại nói chuyện với nhau để tìm cách giải quyết mâu thuẫn cũng giống như một đám cháy chưa được dập tắt hoàn toàn, mặc dù không còn bùng cháy dữ dội nữa nhưng nó vẫn đang cháy âm ỉ. Thật ra tình trạng hiện tại của cả hai là chưa bên nào chịu hạ “cái tôi” xuống, ai cũng vẫn âm thầm cho rằng mình đúng. Bởi vậy chỉ cần một lời nói mang tính tiêu cực phát ra vào thời điểm này là đã đủ để kích thích đốm lửa bùng cháy trở lại.
Hãy lựa lời nói với nhau những lời chân thành và mang tính xây dựng, chỉ có như thế thì mâu thuẫn mới được giải quyết triệt để.
» Tham khảo: Cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực
Vẫn là câu nói quen thuộc: “Cái gì đã là quá khứ thì để cho nó qua đi, đừng nên bới lại làm gì”. Nếu bạn cứ giữ mãi mối hận thù trong lòng dựa vào những mâu thuẫn trong quá khứ, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng nhìn nhận vấn đề ở thời điểm hiện tại. Thay vì nhìn về quá khứ và đổ lỗi, hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm ở thời điểm hiện tại và tương lai để tìm cách giải quyết mâu thuẫn. Thật tiếc nếu như mối quan hệ của cả hai trở nên tồi tệ chỉ vì một phút giây lỡ nói ra sai lầm trong quá khứ.
Thay vì giành chiến thắng trong cuộc tranh cãi, hãy coi việc tìm ra giải pháp mới là ưu tiên hàng đầu của bạn.
Sau khi làm rõ nguồn gốc của xung đột, lắng nghe quan điểm và điều tra tình hình, cả hai bên cần ngồi lại với nhau để đưa ra kết luận về cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Và để thống nhất phương án cuối cùng, bạn và người ấy cần liệt kê tất cả các giải pháp có thể giúp hai bên hòa hợp với nhau dựa trên các luồng quan điểm mà hai bạn đã được lắng nghe ở bước 2.
Sau đó tìm ra điểm chung giữa các giải pháp và xác định trách nhiệm của mỗi bên trong việc giải quyết xung đột. Ngoài ra, điều quan trọng là sử dụng cơ hội này để xác định nguyên nhân gốc rễ và đảm bảo vấn đề này sẽ không tái phát.
Giải quyết xung đột là điều không thể nếu bạn không muốn hoặc không thể tha thứ cho người khác. Chúng ta cần có sự đồng cảm và lòng trắc ẩn để tha thứ cho những người đã gây ra tổn hại cho chúng ta, tương tự như cách chúng ta đón nhận sự tha thứ từ những người mà chúng ta đã vô tình hoặc cố ý làm tổn thương. Họ cũng cần sự tha thứ đến từ phía chúng ta.
Khi mâu thuẫn chen vào giữa hai bạn đến mức không thể giải quyết triệt để thì sự tha thứ là một giải pháp cứu vãn dành cho mối quan hệ đang trên bờ sụp đổ này.
Nhiều người nhầm lẫn giữa tha thứ với quên và ngược lại, nhưng đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tha thứ cho ai đó có nghĩa là bạn không còn giữ sự tức giận đối với người đã xúc phạm hoặc làm điều sai trái với bạn. Khi bạn tha thứ, bạn có thể khôi phục lại mối quan hệ mà bạn đã có với cá nhân đó nhưng nó không có nghĩa là hành vi sai trái này được chấp nhận. Tha thứ không phải là quên, mà là sự thừa nhận quá khứ và sẵn sàng bước tiếp trên con đường mới vì lợi ích của cả hai bên.
Chỉ có hai từ rất ngắn gọn thôi, nhưng dường như chúng ta lại rất khó khăn trong việc nói lời “Xin lỗi” với người khác. Và còn có một sự thật phũ phàng hơn nữa, đó là chúng ta luôn dễ dàng nói “Xin lỗi” với người ngoài hơn là với người thân trong gia đình, điều đó có thể là do cái “tôi” quá lớn. Thậm chí có người còn nghĩ rằng việc hạ mình xin lỗi trước là việc làm vô cùng ngốc nghếch và đáng thương.
Tuy nhiên, chỉ có người bản lĩnh mới chủ động nhận ra lỗi sai và sẵn sàng nói lời xin lỗi khi cần thiết.
Lưu ý: Nếu hai bạn chưa thể hoàn toàn tha thứ cho nhau, hãy quay trở lại và bắt đầu từ bước 1. Mặc dù có thể lúc này chưa thể tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn tốt nhất nhưng chắc chắn căng thẳng giữa hai bạn đã “hạ nhiệt” rất nhiều.
Tóm lại, mâu thuẫn là một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bạn có thể xảy ra xích mích với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình, nhưng điều quan trọng không phải là kiềm nén trong lòng, mà là học cách giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh. Chúng tôi tin rằng 8 kỹ năng này có thể giúp bạn giải quyết những khác biệt này một cách thông minh và xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn, bổ ích hơn.
KFC đang tuyển dụng nhiều vị trí, xem ngay » TẠI ĐÂY