Loading: %
Close
Menu

Kinh nghiệm phỏng vấn IT Support bạn nên biết!

Mục lục bài viết

IT HelpDesk hay IT Support là người chịu trách nhiệm xử lý các sự cố kỹ thuật liên quan đến hệ thống công nghệ cho người dùng cuối (end-user) và cũng là người kết nối giữa nhà phát hành với end-user.

Một nhân viên IT Support có thể nhận được mức lương lên đến 20 triệu/tháng mà đôi khi không cần quá lo lắng về vấn đề bằng cấp. Nếu bạn cũng đang cân nhắc đến công việc hết sức tiềm năng này thì việc tham khảo một số kinh nghiệm phỏng vấn IT Support từ những người đi trước là điều rất cần thiết. Tất cả sẽ được chia sẻ chi tiết trong bài viết hôm nay!

» Tham khảo: Câu hỏi phỏng vấn JavaScript

Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn IT Support

1. Câu hỏi giới thiệu bản thân

“Hãy giới thiệu cho chúng tôi biết đôi nét về bản thân bạn” có lẽ là câu hỏi không thể quen thuộc hơn trong hầu hết các buổi phỏng vấn xin việc. Thông qua câu trả lời, nhà tuyển dụng có thể nắm bắt được một vài thông tin cơ bản xoay quanh ứng viên trước khi đưa ra một loạt câu hỏi khác liên quan đến mặt chuyên môn và kỹ năng. Hơn nữa, việc nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên tự giới thiệu về bản thân cũng được coi như lời chào hỏi lịch sự giữa đôi bên.

Với câu hỏi này, điều đầu tiên các bạn cần làm là cảm ơn hội đồng tuyển dụng. Tiếp đến mới đi vào trả lời nội dung chính, bao gồm: họ tên, tuổi, chuyên ngành, tóm tắt một chút về kinh nghiệm, kỹ năng và mong muốn của bạn đối với công việc IT Support. Để có thể ghi điểm ngay ở câu hỏi đầu tiên này, các bạn hãy trả lời thật ngắn gọn trong khoảng 1-2 phút (tối đa là 3 phút) với thái độ vui vẻ, cởi mở và tự tin nhất nhé.

Gợi ý câu trả lời: “Đầu tiên em xin cảm ơn anh/chị và quý công ty đã cho em cơ hội được ngồi tại đây để cùng trao đổi về công việc. Em xin giới thiệu đôi nét về bản thân mình như sau. Em là Trần Ngọc Anh, năm nay 25 tuổi, tốt nghiệp loại Giỏi trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Kỹ thuật Máy tính. Em đã có 2 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò Chuyên viên IT Support, cùng với đó là các kỹ năng chuyên môn mà em đã tích lũy được trong quá trình học tập và làm việc. Em hy vọng có thể phát huy được những năng lực và cống hiến thật nhiều cho công ty trong thời gian tới. Em xin kết thúc phần giới thiệu tại đây.”

2. Câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu

Xếp sau câu hỏi giới thiệu bản thân thì câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu cũng chính là một trong những câu hỏi dễ gặp phải nhất khi phỏng vấn IT Support nói riêng và phỏng vấn xin việc nói chung. 

Đây là phần mà ứng viên sẽ phải tự đánh giá về bản thân mình, thông qua đó, hội đồng tuyển dụng sẽ phần nào đánh giá được tính cách cũng như mức độ phù hợp của ứng viên đối với vị trí cần tuyển. 

Với câu hỏi này, thứ tự câu trả lời mà bạn nên áp dụng là điểm mạnh trước - điểm yếu sau. Điểm mạnh thì có rất nhiều, nhưng bạn phải chọn lọc những điểm có liên quan đến chuyên môn IT Support, chẳng hạn như khả năng quan sát nhạy bén, khả năng giải quyết sự cố nhanh, khả năng giao tiếp tốt, yêu thích và đam mê công nghệ,...Lưu ý, khi nói về điểm mạnh của bản thân, bạn cần nêu thêm một số dẫn chứng, có kết quả kèm theo thì càng tốt. Như vậy thì nhà tuyển dụng mới có đủ cơ sở tin rằng những điểm mạnh kể trên là nói thật chứ không phải đang chém gió, ba hoa. 

Còn về điểm yếu thì bạn phải khéo léo đưa ra những điểm ít gây ra sự ảnh hưởng trong công việc nhất có thể, chẳng hạn như dễ nổi nóng, ngại nói trước đám đông,...Tuy nhiên, đừng chỉ liệt kê điểm yếu xong để đó cho nhà tuyển dụng tự đánh giá, mà hãy trình bày thêm những kế hoạch hoặc những việc bạn đã làm để cải thiện điểm yếu đó. Suy cho cùng thì chẳng ai trong chúng ta dám tự tin khẳng định là mình không có điểm yếu, nhưng những ai biết rõ điểm yếu của mình và biết làm thế nào để cải thiện điểm yếu đó thì mới là người đáng trân trọng.  

3. Câu hỏi về chuyên môn và kinh nghiệm làm việc

Một số câu hỏi có thể được hỏi như:

Bạn đã từng tham gia vào một dự án IT Support nào trước đây chưa? Đó là thành quả của cả team hay của cá nhân bạn?

- Khó khăn nào mà bạn từng gặp trong quá trình làm việc khiến bạn nhớ nhất? Và bạn đã giải quyết thế nào?

- Khi được sếp giao cho một dự án IT Support, bạn thường xử lý công việc theo quy trình nào?,...

Với nhóm câu hỏi này, tốt nhất là bạn hãy chia sẻ một cách thành thật. 

Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm công việc IT Support hoặc IT Helpdesk trong quá khứ hãy tự tin tóm tắt cho nhà tuyển dụng một số thông tin cơ bản liên quan đến dự án và vai trò, đóng góp của bạn trong dự án đó. Bạn cũng đừng quên chia sẻ cả những thành tựu mà cá nhân bạn hoặc cả team đã đạt được trong suốt thời gian làm việc. 

Trả lời được đến bước này đã là xuất sắc rồi, nhưng nếu bạn muốn câu trả lời xuất sắc hơn nữa, hãy nhấn mạnh thêm đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn đạt được những thành tựu đó, và những điều bạn sẽ làm trong thời gian tới để hoàn thành những mục tiêu cao hơn. Điều này không chỉ chứng minh bạn là người có năng lực, mà còn còn thể hiện cả sự nhiệt huyết và đam mê của bạn với công việc IT Support.

Trường hợp không có kinh nghiệm, bạn có thể đưa ra một số dự án ấn tượng mà bạn từng tham gia khi còn là sinh viên, kèm theo đó là những kỹ năng nổi bật mà công việc này yêu cầu. Muốn biết những kỹ năng này là gì thì hãy tìm hiểu thật kỹ JD của nhà tuyển dụng trước khi tới phỏng vấn.

4. Câu hỏi về kỹ năng mềm

Với nhóm câu hỏi này, thường thì nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một số tình huống mà nhân viên IT Support có thể gặp phải, sau đó yêu cầu bạn đưa ra cách giải quyết. Bởi kỹ năng được đánh giá là quan trọng nhất đối với một IT Supporter có lẽ là kỹ năng phát hiện và xử lý vấn đề. Điều này nhằm đảm bảo hệ thống máy móc - công nghệ - thông tin luôn hoạt động một cách trơn tru, không gây ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc của các bộ phận khác.

» Tổng hợp: Câu hỏi phỏng vấn IT

Kinh nghiệm phỏng vấn IT Support bạn nên biết!

Có thể thấy, việc vượt qua tất cả các vòng phỏng vấn IT nói chung chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với hầu hết các bạn ứng viên, đặc biệt là những bạn ứng tuyển vào vị trí IT Support. Bởi đây là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, nhanh nhạy và yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, do đó việc nhà tuyển dụng đưa ra nhiều câu hỏi khắt khe cũng là điều dễ hiểu. Chính vì thế, trước khi tham gia vòng phỏng vấn IT Support, các bạn cần đặc biệt lưu ý và chuẩn bị thật kỹ lưỡng một số vấn đề sau:

- Ôn luyện và củng cố kiến thức chuyên môn thật tốt: Đừng để bản thân bị lúng túng, mất tự tin khi bị nhà tuyển dụng hỏi một số câu hỏi cơ bản liên quan đến chuyên môn nhé.

- Tham khảo và tập trả lời trước một số câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn IT Support. Việc chuẩn bị trước như vậy sẽ giúp tâm lý của bạn đỡ hồi hộp hơn.

- Tìm hiểu kỹ về công ty ứng tuyển: Một bạn ứng viên đã từng tâm sự với chúng tôi rằng, lý do bạn ấy pass vòng phỏng vấn là vì bạn ấy đã tìm hiểu trước về công ty, điều mà các bạn ứng viên khác không làm được. Do đó, trước khi tham gia phỏng vấn, ít nhất bạn cũng phải nắm được một số thông tin cơ bản như: tên công ty, sản phẩm mà công ty cung cấp, lĩnh vực hoạt động và những thành tựu nổi bật của công ty. 

- Thời gian là yếu tố rất quan trọng khi đi phỏng vấn. Với góc nhìn của ứng viên thì chậm một vài phút cũng chả sao, nhưng một ngày nhà tuyển dụng có thể phỏng vấn tới hàng chục ứng viên một lúc. Mỗi ứng viên đến muộn 5 phút là đã tiêu tốn của nhà tuyển dụng gần một tiếng đồng hồ rồi. Vì vậy, ít nhất hãy đảm bảo rằng bạn đến đúng giờ, hoặc tốt nhất là đến sớm 5-10 phút để có thời gian chuẩn bị tâm lý nhé.

- Trang phục khi đi phỏng vấn thì cần đảm bảo chỉn chu, sạch sẽ, bởi nó cũng phần nào nói lên sự nghiêm túc của bạn đối với công việc. Tốt nhất bạn nên mặc áo sơ mi và quần tây, các bạn nữ có thể mặc váy công sở.

- Dù được yêu cầu hay không thì bạn cũng luôn phải mang theo ít nhất 1 bản CV bản cứng, in màu hoặc in đen trắng đều được, để gửi đến nhà tuyển dụng. Điều này sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như mong muốn có được công việc của bạn. 

- Khi nhận được bất kỳ câu hỏi nào từ nhà tuyển dụng, hãy luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện và trả lời với phong thái tự tin, vui vẻ. Bạn nên nhớ phỏng vấn chỉ đơn thuần là một cuộc trao đổi mà thôi, không cần quá căng thẳng nhưng cũng không nên trả lời quá suồng sã, thiếu tôn trọng đối phương. 

- Cuối cùng, đừng quên gửi tới nhà tuyển dụng một lời cảm ơn chân thành ở đầu và cuối buổi phỏng vấn, kèm theo đó là lời hy vọng sẽ trở thành đồng nghiệp với họ trong tương lai.

IT Support chính là cơ hội việc làm tốt dành cho những bạn yêu thích ngành IT nhưng lại không đủ kiên nhẫn và khả năng với việc học lập trình. Chúng tôi mong rằng những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ trên đây có thể giúp cho các bạn ứng viên tự tin phần nào khi tham gia phỏng vấn IT Support. Chúc bạn luôn tự tin tỏa sáng trong suốt vòng phỏng vấn và giành được cơ hội việc làm tốt nhất nhé.  


Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả