Loading: %
Close
Menu

Phỏng vấn xin việc cần chuẩn bị gì? Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn!

Mục lục bài viết

Nếu như bạn đã từng nghĩ rằng “Phỏng vấn có gì đâu mà phải chuẩn bị trước” thì hãy dập tắt ý nghĩ đó ngay. Chính trị gia Benjamin Franklin có một câu danh ngôn rất nổi tiếng, đó là: “Thất bại trong chuẩn bị cũng có nghĩa là chuẩn bị thất bại”. Bởi vậy, cho dù bạn là Junior hay Senior, ứng tuyển vào vị trí cấp cao hay nhân viên đi chăng nữa, nếu muốn có một buổi phỏng vấn hoàn hảo thì công tác chuẩn bị là điều hết sức quan trọng. 

Vậy chúng ta cần chuẩn bị những gì trước khi tham gia phỏng vấn xin việc? Không làm mất thời gian của các bạn nữa, chúng ta cùng tìm hiểu ngay nhé!

» Tham khảo: Cách viết mail xin việc

Phỏng vấn xin việc cần chuẩn bị gì?

Dưới đây là 8 thứ mà bạn chắc chắn phải chuẩn bị kỹ càng để bước vào cuộc phỏng vấn xin việc với một tâm thế tự tin nhất:

1. Chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết

Dẫu biết rằng bạn đã gửi CV qua email cho nhà tuyển dụng trước khi đến phỏng vấn, thế nhưng vào hôm phỏng vấn chính thức, bạn vẫn phải đem theo sơ yếu lý lịch kèm theo bản photo các loại giấy tờ quan trọng khác như thư ứng tuyển, CV và chứng minh nhân dân. Vì sao vậy?

Đó là phương án đề phòng cho mọi trường hợp có thể xảy ra, khi vì một lý do nào đó mà người phỏng vấn không cầm trong tay CV của bạn. Lúc này cho dù bạn có tường thuật y hệt thông tin ghi trong CV thì chưa chắc họ đã nhớ được bạn là ai, trừ khi profile quá “khủng”. Vì thế, hãy đem theo các loại giấy tờ kể trên khi đi phỏng vấn. Điều này chắc chắn chỉ có lợi cho bạn mà thôi.

2. Chuẩn bị trang phục

Trang phục mà bạn diện trong lần đầu gặp mặt cũng là một trong những yếu tố đánh giá xem bạn có phải ứng viên chuyên nghiệp hay không. Vì vậy, khi đi phỏng vấn cho một vị trí chuyên nghiệp, hãy ăn mặc phù hợp với trang phục công sở.

Bạn có thể ăn mặc đơn giản nhưng không được xuề xòa. Bạn ăn mặc năng động, trẻ trung một chút cũng không sao, nhưng đừng quá màu mè, phản cảm. Điều quan trọng vẫn là phải gọn gàng, ngăn nắp, chỉn chu và thể hiện một hình ảnh tích cực với nhà tuyển dụng.

Nhìn chung thì combo quần tây tối màu và áo sơ mi trắng có vẻ sẽ là outfit phù hợp trong mọi hoàn cảnh cho cả nam và nữ. Hãy ủi quần áo thật phẳng phiu ngay từ tối hôm trước để có một diện mạo hoàn hảo nhất vào sáng hôm sau nhé!

Bên cạnh trang phục thì bạn cũng nên chú ý tới mái tóc nữa. Chính bạn cũng không thích ai đó để đầu bù tóc rối đến gặp gỡ mình phải không nào? 

Mới đây trong một show truyền hình thực tế về chủ đề định hình phong cách cá nhân, shark Hưng - nhà cầm quân CenLand cho rằng những bạn gái tóc dài quá vai mà không buộc hoặc tết lại sẽ làm mất đi tính chuyên nghiệp. Mặc dù nhận định này gây ra hàng loạt phản ứng trái chiều, tuy nhiên hầu như mọi người đều đồng tình với quan điểm của shark Hưng. Vì vậy, đối với ứng viên nữ, chúng tôi khuyên bạn nên buộc hoặc tết tóc gọn gàng, nhất là với những bạn làm việc trong ngành dịch vụ. 

Con trai thì đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần cắt ngắn gọn gàng, đủ để nhìn thấy lông mày là được. 

3. Tìm hiểu thông tin doanh nghiệp

Trước khi tham dự một cuộc phỏng vấn xin việc, điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt không chỉ về vị trí ứng tuyển mà còn về doanh nghiệp nữa. 

Việc chuẩn bị trước như vậy sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều khi đối mặt với bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu xem môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp tại đây có thực sự phù hợp với bạn hay không.

Trước tiên hãy nghiên cứu trang web chính thức của họ trước đã, sau đó mới chuyển sang các nguồn khác. Thông tin cần nghiên cứu gồm có lịch sử hình thành, giá trị cốt lõi, sứ mệnh, các loại sản phẩm đang kinh doanh,...Tìm hiểu thêm cách công ty so sánh với đối thủ khác trong ngành bằng cách đọc tất tần tật những bài báo viết về công ty trên các trang báo hoặc tạp chí kinh tế. Bạn cũng có thể xem các đánh giá về công ty từ khách hàng, từ các nhân viên hiện tại và cựu nhân viên.

4. Tìm hiểu người sẽ phỏng vấn bạn

Cùng với việc nghiên cứu công ty, hãy tìm hiểu xem ai là người sẽ phỏng vấn bạn và nghiên cứu về họ thông qua LinkedIn hoặc trang Facebook cá nhân.

Thông thường bạn sẽ phải trải qua 2 vòng phỏng vấn. Vòng thứ nhất là phỏng vấn với HR, vòng này chỉ đơn giản là tìm hiểu thông tin về nhau mà thôi. Vòng thứ hai là vòng phỏng vấn chuyên môn, và người phỏng vấn ở vòng này sẽ là quản lý trực tiếp của bạn. 

Còn nếu apply CV vào những công ty tầm cỡ, bạn sẽ phải tham gia phỏng vấn lần thứ 3 với Giám đốc và làm đủ các loại bài test chuyên môn nữa thì mới được nhận vào làm.

5. Sổ tay & bút

Chắc chắn sẽ có không ít người ngạc nhiên khi sổ tay và bút lại xuất hiện trong danh sách những thứ cần chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn xin việc. 

Đây chính là bài học thực tế mà tôi đã đúc rút được khi đi phỏng vấn lần đầu tiên vào năm 2 Đại học. Sau khi kết thúc phỏng vấn ngày hôm đó, chị HR có khuyên tôi một câu: “Em nên đem theo sổ và bút khi đi phỏng vấn, thứ nhất là để liệt kê sẵn những câu hỏi mà em sẽ hỏi nhà tuyển dụng, thứ hai là để ghi chép lại những gì người phỏng vấn nói mà em không thể nghe kịp”. Từ đó cho đến nay, trải qua hàng chục cuộc phỏng vấn lớn nhỏ, nhưng sổ và bút là hai đồ dùng mà tôi luôn mang theo bên mình. 

Đặc biệt với những bạn designer, biết đâu trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng yêu cầu bạn thực hiện một task nhỏ để test kỹ năng thì sao? Như vậy thì giấy bút là không thể thiếu.

» Có thể bạn quan tâm: Cách ghi chép hiệu quả

6. Chuẩn bị câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Vào cuối mỗi cuộc phỏng vấn xin việc, hầu như những người phỏng vấn đều tỏ ra cởi mở với loạt câu hỏi đến từ ứng viên. Việc chuẩn bị trước các câu hỏi cho nhà tuyển dụng như vậy sẽ chứng minh rằng bạn rất quan tâm đến vị trí này và muốn tìm hiểu thêm về công ty. Hãy tham khảo một số câu hỏi đơn giản như:

  1. Công ty có cung cấp lộ trình thăng tiến cho vị trí này không?
  2. Công ty dựa vào tiêu chí nào để đo lường hiệu suất làm việc đối với vị trí này?
  3. Khía cạnh thách thức nhất khi làm việc ở vị trí này là gì?
  4. Anh/chị thích điều gì nhất khi làm việc với công ty?

 

7. Chuẩn bị phương tiện di chuyển

Đến muộn trong lần gặp mặt đầu tiên được coi là một điều tối kỵ và không thể chấp nhận được. Vì thế, hãy chủ động trong việc chuẩn bị phương tiện di chuyển để có thể đến trước thời gian hẹn phỏng khoảng 5-10 phút bạn nhé.

Cho dù di chuyển bằng phương tiện cá nhân hay phương tiện công cộng, trước tiên bạn cần sử dụng Google Map để vạch ra con đường nhanh nhất từ nhà đến địa điểm phỏng vấn. Tiếp theo, hãy quan sát xem vào thời điểm mà cuộc phỏng vấn của bạn diễn ra có bất kỳ mối lo ngại nào về giao thông hay không, ví dụ như tắc đường hoặc thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông chẳng hạn. Cuối cùng là xác định thời gian di chuyển để căn thời gian xuất phát cho hợp lý.

8. Chuẩn bị tinh thần

Hồi hộp trước khi bước vào buổi phỏng vấn xin việc là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên một số ứng viên lại cảm thấy phỏng vấn là điều vô cùng áp lực. Thậm chí có người đã chuẩn bị tinh tươm rồi, nhưng đến nơi phỏng vấn lại quay về vì quá sợ. 

Việc căng thẳng quá mức như vậy chắc chắn sẽ làm giảm hiệu quả của cuộc phỏng vấn, bởi vì cả cơ thể và tinh thần của bạn đều không làm việc ở trạng thái tốt nhất. 

Dưới đây sẽ là 3 lời khuyên mà chúng tôi muốn dành riêng cho những bạn đang gặp phải tình trạng căng thẳng quá mức để buổi phỏng vấn của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn:

  • Coi người phỏng vấn như một người bạn: Thực ra phỏng vấn xin việc cũng chỉ giống như cuộc trao đổi giữa hai người thôi mà. Khi bạn nghĩ như vậy, tâm lý của bạn sẽ thả lỏng hơn rất nhiều đấy. Thực tế thì bản chất của cuộc phỏng vấn đúng như những gì mà bạn nghĩ: người phỏng vấn hỏi thì bạn có trách nhiệm chia sẻ thông tin của mình, ngược lại, bạn đưa ra những câu hỏi về vị trí công việc thì họ có trách nhiệm cung cấp thông tin để bạn hiểu rõ hơn; 

  • Có mặt tại công ty trước 10 phút so với thời gian hẹn phỏng vấn: Trong 10 phút này, bạn có đủ thời gian chỉnh lại trang phục và lên dây cót tinh thần để động viên bản thân. Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc đến sát nút giờ hẹn và bước vào phỏng vấn với tâm lý vội vội vàng vàng; 

  • Nở nụ cười với người phỏng vấn: Sau khi ổn định chỗ ngồi, hãy nở một nụ cười thân thiện và gửi lời chào tới những người tham gia phỏng vấn. Trong trường hợp ứng viên trước đó khiến người phỏng vấn cảm thấy khó chịu, nụ cười của bạn sẽ khiến bầu không khí trở nên cởi mở hơn nhiều đấy.

Trước khi ra về, đừng quên tạo ấn tượng cuối cùng thật tốt đẹp bằng một cái bắt tay đầy tự tin nhé. Tốt nhất bạn nên chủ động đưa ra đề nghị này. Có thể nó sẽ không tạo ra ảnh hưởng quá lớn đến quyết định cuối cùng của nhà tuyển dụng, nhưng ít ra họ sẽ ấn tượng với bạn nhiều hơn những ứng viên khác.

» Tham khảo: Cách thuyết trình tự tin

Những câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp

Đây là 3 câu hỏi mà bạn dễ gặp phải nhất trong hầu hết các cuộc phỏng vấn xin việc, hãy lưu lại ngay nhé.

1. Em có thể giới thiệu sơ lược về bản thân mình được không?

Đây là câu hỏi muôn thuở mà nhà tuyển dụng nào cũng dùng để mở đầu câu chuyện với ứng viên. 

Khi đưa ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng không hề muốn biết bạn tên gì, học trường nào, quê ở đâu, sở thích là gì,...bởi vì những thông tin đó đã liệt kê hết trong CV. 

Mục đích lớn nhất của câu hỏi mở kiểu này là nắm bắt tư duy của người trả lời. 

Do đó, trong câu trả lời, bạn cần nêu được những thông tin có giá trị với vị trí mà mình ứng tuyển như: Mục tiêu, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, kinh nghiệm, trình độ học vấn,...

Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi giới thiệu bản thân là áp dụng trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Tuy nhiên không nên trình bày quá chi tiết, chỉ nên tóm gọn trong tối đa 2 phút mà thôi.

Ví dụ: “Đầu tiên em xin cảm ơn anh/chị đã cho em cơ hội được tham gia buổi phỏng vấn hôm nay để trao đổi kỹ hơn về vị trí Nhân viên marketing. Em xin tự giới thiệu, em là Nguyễn Thị Thu Mai. Trước đây em có thời gian 6 tháng thực tập và làm việc tại công ty Skyward với vị trí Nhân viên chạy Ads. Ngoài khả năng chạy ads, em còn học hỏi thêm được kỹ năng viết content quảng cáo và design hình ảnh ở mức độ cơ bản. Hiện tại do nhu cầu đối với việc làm của em cao lên nên em muốn tìm một nơi tốt và phát triển hơn để nâng cao bản thân mình.”

2. Bạn có thể mô tả rõ hơn về công việc gần nhất của bạn không?

Mục đích của nhà tuyển dụng khi đưa ra câu hỏi này là đánh giá năng lực cũng như kinh nghiệm làm việc xem bạn có phù hợp với vị trí mà họ đang tìm kiếm hay không.

Vì vậy hãy trả lời một cách chân thật về những gì bạn học được ở công ty cũ, giống như kiểu bạn đang chia sẻ với đàn em hoặc bạn bè vậy. Đừng “chém gió” tới những vấn đề mà bạn không biết rõ, nếu như không muốn bị nhà tuyển dụng hỏi vặn vẹo về chuyên môn.

Trong trường hợp chưa có kinh nghiệm, hãy bình tĩnh trả lời với nhà tuyển dụng rằng bạn rất mong muốn được gắn bó lâu dài với công việc này và sẽ dành nhiều thời gian phát triển kỹ năng để phục vụ tốt cho công việc.

Ví dụ: “Với vị trí trước đây là Nhân viên chạy Ads tại công ty Skyward, em chịu trách nhiệm nuôi fanpage, lên camp chạy ads và kéo traffic về fanpage. Ngành hàng mà em chạy ads là trang sức đá quý, do đó hình ảnh đẹp là điều rất quan trọng. Thỉnh thoảng em cũng có tham gia hỗ trợ team quay dựng để cho ra những thước phim và hình ảnh đẹp nhất, bởi vì sản phẩm sẽ được phục vụ trực tiếp cho những chiến dịch chạy ads ngân sách lớn của công ty.”

3. Em đã đạt được những thành tựu nào khiến em cảm thấy tự hào nhất? 

Mục đích của câu hỏi này là theo dõi mức độ thành thạo trong công việc cũng như năng suất làm việc của ứng viên.

Đối với ứng viên chưa có kinh nghiệm, hãy nêu những thành tựu từ trước đến nay mà bạn giành được trong học tập. 

Ví dụ: “Vào năm 2020, em là sinh viên duy nhất của trường Đại học X đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” do Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng”.

Đối với ứng viên đã có kinh nghiệm, khi nói về thành tựu trong công việc, hãy trình bày nội dung câu trả lời có càng nhiều số càng tốt. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự tâm huyết của bạn với công việc. Bạn cũng có thể nêu lên cảm xúc của mình như thế nào khi đạt được những thành tựu đó, và những bài học mà bạn rút ra được.

Ví dụ: “Thành tích ấn tượng nhất mà em đạt được khi làm việc tại công ty Skyward là đem lại doanh số 400 triệu/ngày. Lúc đó em vừa kết thúc 2 tháng thử việc và được sếp giao cho một dự án riêng. Mặc dù con số 400 triệu/ngày không phải là con số quá lớn đối với các cao thủ chạy ads, nhưng với một người chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì em vẫn cảm thấy đây là thành tựu rất đáng tự hào mà tôi có thể đem lại cho công ty.” 

» Tham khảo: Cách viết thư cảm ơn sau phỏng vấn

Chúng tôi tin rằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng chính là chìa khóa giúp mọi ứng viên có được một buổi phỏng vấn xin việc thuận lợi. Hãy tự tin chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy họ phải may mắn cỡ nào mới thuyết phục được bạn về đội của họ nhé. Chúc bạn thành công.

 Đừng quên cập nhật tin tuyển dụng mới nhất của KFC » TẠI ĐÂY

 


Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả