Loading: %
Close
Menu

12+ Phương pháp phỏng vấn và những lưu ý quan trọng!

Mục lục bài viết

Trước khi bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc, tối thiểu bạn cần hình dung được mình sẽ trải qua hình thức phỏng vấn nào. Đó là một cuộc phỏng vấn tình huống hay phỏng vấn căng thẳng? Tôi sẽ phỏng vấn cùng lúc với nhiều ứng viên khác, hay tôi chỉ cần phỏng vấn riêng tư với nhà tuyển dụng? Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các phương pháp phỏng vấn phổ biến được sử dụng nhiều và những gì nên làm để thuận lợi vượt qua các dạng phỏng vấn này. 

» Tham khảo: Các câu hỏi tình huống

Các phương pháp phỏng vấn thường gặp

Đôi khi HR sẽ liên hệ trước với bạn để mô tả loại cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra, nhưng thường thì tất cả thông tin mà ứng viên nhận được chỉ có thời gian và địa điểm phỏng vấn mà thôi. 

Có tổng cộng 12 phương pháp phỏng vấn khác nhau, được chia nhỏ dựa trên 4 tiêu chí gồm: 

  1. Nội dung phỏng vấn (4 phương pháp);
  2. Hình thức phỏng vấn (3 phương pháp);
  3. Cấu trúc phỏng vấn (3 phương pháp);
  4. Số lượng người tham gia phỏng vấn (2 phương pháp).

Mỗi phương pháp sẽ có ưu và nhược điểm riêng, cụ thể như sau:

1. Phân chia theo nội dung phỏng vấn

- Phỏng vấn hành vi (Behavioral Interviews)

Phỏng vấn hành vi được sử dụng để đánh giá cách bạn đã xử lý các tình huống công việc khác nhau trong quá khứ. Điều này sẽ giúp họ đánh giá hiệu suất trong tương lai của bạn.

Ví dụ: Hãy kể cho tôi về một lần bạn phải đối mặt với xung đột khi làm việc nhóm. Bạn đã giải quyết xung đột đó như thế nào?

Để trả lời dạng câu hỏi này, bạn cần áp dụng cấu trúc STAR bằng cách: mô tả vấn đề, sau đó đưa ra phương án hành động, và cuối cùng là trình bày kết quả.

- Phỏng vấn tình huống (Case Interviews)

Trong một cuộc phỏng vấn tình huống, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra cho bạn một kịch bản kinh doanh và yêu cầu bạn xử lý tình huống cụ thể đó như thế nào. 

Phương pháp này thường được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc phỏng vấn về tư vấn quản lý hoặc đầu tư; yêu cầu bạn phải thể hiện được khả năng phân tích cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề của mình.

Đối với dạng câu hỏi tình huống thì câu trả lời không nhất thiết phải là đúng hoặc sai. Cái mà nhà tuyển dụng quan tâm là tư duy và cách tiếp cận vấn đề của ứng viên. 

- Phỏng vấn căng thẳng (Stress Interviews)

Trong kiểu phỏng vấn này, các nhà quản lý tuyển dụng sẽ cố gắng đánh giá xem bạn xử lý tốt (hoặc tệ) như thế nào trong các tình huống căng thẳng nhất định tại nơi làm việc.

Hãy chuẩn bị tinh thần để trả lời hàng loạt câu hỏi từ nhẹ nhàng đến khó chịu, và thậm chí không phù hợp. Ví dụ như:

  1. Tại sao bạn lại bị công ty cũ sa thải?
  2. Bạn nghĩ cuộc phỏng vấn hôm nay sẽ diễn ra như thế nào?
  3. Bạn sẽ giải quyết thế nào khi bắt gặp một đồng nghiệp đang ăn trộm?
  4. Bạn có nghĩ tôi là một người phỏng vấn giỏi không?

Chìa khóa để xử lý kiểu phỏng vấn này là giữ bình tĩnh. Mặc dù việc giữ bình tĩnh khi đối mặt với những câu hỏi kiểu này là rất khó khăn, vì bạn sẽ có cảm giác như người phỏng vấn đang có địch ý với mình, nhưng lúc này bạn có thể áp dụng một số kỹ thuật như làm rõ câu hỏi, yêu cầu biết thêm chi tiết hoặc kể một câu chuyện thể hiện quan điểm của bạn để giảm bớt căng thẳng. 

- Phỏng vấn mẹo (Puzzle Interviews)

Tại một thời điểm nào đó trong cuộc phỏng vấn, bạn sẽ được kiểm tra khả năng sáng tạo của mình. Đây là loại câu hỏi mở, nghĩa là không có câu trả lời đúng hay sai. 

Ví dụ: Giả sử bạn được giao nhiệm vụ tiếp đón đoàn khách nước ngoài vào ngày mai. Đoàn khách gồm 7 người nhưng trên bàn chỉ có 6 chiếc cốc và 6 chai nước. Bạn sẽ làm gì để cả 7 vị khách đều hài lòng?

Các câu hỏi về tính sáng tạo nhằm mục đích kiểm tra khả năng của bạn trong việc tạo ra các ý tưởng và giải pháp mới. 

» Tham khảo: Trắc nghiệm nghề nghiệp

2. Phân chia theo hình thức phỏng vấn

- Phỏng vấn trực tiếp

Đây có lẽ là phương pháp phổ biến nhất trong tất cả các phương pháp phỏng vấn. Nó chỉ đơn giản là một cuộc gặp mặt và trao đổi trực tiếp giữa ứng viên với nhà tuyển dụng mà thôi.

Ưu điểm của phương pháp này là nhà tuyển dụng có thể theo dõi được thái độ cũng như ngôn ngữ cơ thể – những thứ sẽ phản ánh chân thực nhất con người thật của ứng viên. 

Và chìa khóa để thành công trong một cuộc phỏng vấn 1-1 là sự chuẩn bị. Hãy tham gia phỏng vấn khi biết chắc rằng bạn đã ứng tuyển vào vị trí phù hợp với mình, đồng thời cũng đã nghiên cứu về ngành, công ty và những người mà bạn có khả năng sẽ làm việc cùng.

- Phỏng vấn từ xa bằng video call

Một số giải pháp hội nghị trực tuyến như Skype, Google Hangout, Microsoft Team hay FaceTime của Apple đã mở ra một phương pháp phỏng vấn mới, đó chính là phỏng vấn online. 

Mặc dù một cuộc phỏng vấn video từ xa có vẻ đỡ căng thẳng hơn so với phỏng vấn trực tiếp, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn được phép xuề xòa. Bạn vẫn cần có sự chuẩn bị thận trọng từ trang phục đến tài liệu, kiến thức chẳng khác nào phỏng vấn trực tiếp. Ngoài ra bạn còn cần chuẩn bị thêm ánh sáng, chất lượng âm thanh và đảm bảo có kết nối internet ổn định.

- Phỏng vấn qua điện thoại

Mục đích của việc phỏng vấn qua điện thoại là để sàng lọc những ứng viên không đủ tiêu chuẩn và đưa những người đủ tiêu chuẩn đến phỏng vấn trực tiếp.

Với phương pháp này, trước hết bạn cần đảm bảo rằng mình đang ở một nơi có tín hiệu điện thoại tốt và không có sự xuất hiện của những thành phần gây nhiễu như trẻ em, vật nuôi hoặc tiếng ồn xung quanh.

Vì cuộc điện thoại này sẽ giúp HR xác định xem bạn có phải là người phù hợp để tiến tới quá trình phỏng vấn hay không, do đó chúng tôi khuyên bạn nên trả lời bất kỳ câu hỏi nào một cách nghiêm túc, thân thiện và chuyên nghiệp. Hãy nhớ rằng, đây không phải cuộc gọi thông báo pass phỏng vấn, thế nên đừng vội hỏi về lương hoặc phúc lợi bạn nhé. 

» Có thể bạn quan tâm: Phỏng vấn Online và những điều cần lưu ý!

3. Phân chia theo cấu trúc phỏng vấn

- Phỏng vấn có cấu trúc

Một cuộc phỏng vấn có cấu trúc thường được sử dụng khi nhà tuyển dụng muốn đánh giá và so sánh bạn với các ứng viên còn lại. Về cơ bản, người phỏng vấn hỏi tất cả các ứng viên những câu hỏi giống nhau. Nếu vị trí đó yêu cầu kỹ năng và kinh nghiệm cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ soạn thảo các câu hỏi phỏng vấn tập trung chính xác vào những kỹ năng mà công ty đang tìm kiếm.

- Phỏng vấn bán cấu trúc

Đặc điểm của kiểu phỏng vấn bán cấu trúc là người phỏng vấn không tuân thủ nghiêm ngặt theo danh sách câu hỏi cố định. Thay vào đó, họ sẽ hỏi những câu hỏi mở và tạo cảm giác đang trò chuyện hơn là dạng câu hỏi đơn thuần.

- Phỏng vấn không theo cấu trúc

Đối với phỏng vấn không có cấu trúc, các câu hỏi có thể được thay đổi dựa trên câu trả lời của người được phỏng vấn. Mặc dù người phỏng vấn có thể đã chuẩn bị trước một số câu hỏi, nhưng hướng của cuộc phỏng vấn khá ngẫu nhiên và các câu hỏi được đưa ra dựa trên hướng của cuộc trò chuyện. 

Những cuộc phỏng vấn như vậy thường được coi là ít đáng sợ hơn phỏng vấn chính thức.

4. Phân chia theo số lượng người phỏng vấn

- Phỏng vấn nhóm

Trong một cuộc phỏng vấn nhóm, nhiều ứng viên sẽ được phỏng vấn cùng một lúc. Kiểu phỏng vấn này thường được các công ty đa quốc gia sử dụng trong trường hợp công ty đang tuyển dụng với số lượng lớn. 

Phỏng vấn nhóm có thể gây căng thẳng vì về cơ bản thì bạn đang cạnh tranh với người bên cạnh cho cùng một vị trí làm việc. Nhưng thông qua phỏng vấn nhóm, các ứng viên có thể bộc lộ tinh thần đồng đội, khả năng lãnh đạo cũng như sự tự tin.

Lưu ý khi tham gia phỏng vấn nhóm là bạn chỉ tập trung trả lời câu hỏi của những người phỏng vấn và không tranh luận với những người được phỏng vấn khác. Kể cả người bên cạnh vừa trả lời sai hoặc trả lời lạc đề thì bạn cũng đừng thể hiện bản thân bằng cách cố gắng hạ gục họ. Chắc hẳn chính bạn cũng không muốn làm việc với một đồng nghiệp luôn sẵn sàng hạ gục bạn đúng không nào?

- Phỏng vấn cá nhân

Trong một cuộc phỏng vấn cá nhân, sẽ chỉ có một ứng viên tham gia phỏng vấn. Kiểu phỏng vấn sâu này giúp người phỏng vấn tập trung sự chú ý vào một đối tượng duy nhất để có thể đưa ra đánh giá chính xác nhất.

Những lưu ý khi phỏng vấn ứng viên

Dưới đây là 4 lời khuyên dành riêng cho những người đang làm công tác tuyển dụng tại các tổ chức, doanh nghiệp có thể giúp bạn chọn lọc được những ứng viên xuất sắc nhất:

  1. Nghiên cứu CV trước khi phỏng vấn: Một số HR chọn cách vừa đọc CV vừa đưa ra câu hỏi phỏng vấn. Tuy nhiên điều này sẽ khiến bạn bị phân tâm và không bắt được ý chính trong câu trả lời của ứng viên. Ngoài nghiên cứu CV, khi tuyển dụng những vị trí quan trọng, bạn cần nghiên cứu profile của ứng viên trên các nền tảng xã hội như Facebook và LinkedIn, đặc biệt là LinkedIn để xem ứng viên này có phải người đáng tin cậy hay không;
  2. Thân thiện với ứng viên: Cả trước, trong và sau quá trình phỏng vấn, người phỏng vấn nên thể hiện sự thân thiện và chuyên nghiệp bằng cách sử dụng một số ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như mỉm cười, gật đầu, bắt tay,...để người được phỏng vấn luôn cảm thấy thoải mái. Đừng quên, phỏng vấn là một cuộc trao đổi win-win, nghĩa là HR càng tạo ra nhiều sự thoải mái, thì ứng viên sẽ càng dễ dàng trong việc chia sẻ thông tin. Và điều này thì hoàn toàn có lợi cho việc ra quyết định của bạn. Kể cả ứng viên không đỗ phỏng vấn thì họ cũng sẽ có cái nhìn thiện cảm với doanh nghiệp mà bạn đang làm việc;
  3. Ghi chú trong lúc phỏng vấn: Số lượng ứng viên mà bạn phải tiếp xúc mỗi ngày có thể là 5,10 hoặc lên đến vài chục người. Nếu như 1-2 người trong số này có màn phỏng vấn vô cùng đặc biệt và ấn tượng thì không nói làm gì. Nhưng nếu các ứng viên có trình độ ngang nhau thì bạn làm thế nào để ghi nhớ hết thông tin của những ứng viên đó? Cách duy nhất mà bạn nên áp dụng là ghi chép lại đặc điểm nhận dạng của ứng viên và đánh giá theo mức độ từ rất kém, kém, cơ bản, tốt đến rất tốt;
  4. Lắng nghe nhiều hơn nói: Khi bước vào cuộc phỏng vấn, nhiệm vụ của HR là khai thác thông tin từ ứng viên, chứ không phải cùng nhau kể chuyện. Do đó, bạn nên dành phần lớn thời gian của mình để lắng nghe và dẫn dắt ứng viên thay vì nói quá nhiều. 

» Tham khảo: Kinh nghiệm phỏng vấn

Phỏng vấn là bước không thể thiếu trong toàn bộ quy trình tuyển dụng nhân sự. Việc kết hợp linh hoạt các phương pháp phỏng vấn sẽ giúp nhà quản lý tuyển dụng tìm ra ứng viên phù hợp nhất cho công ty của mình. Bạn đã làm quen với mấy kiểu phỏng vấn trong số 12 hình thức mà chúng tôi vừa liệt kê phía trên? Hãy để lại bình luận nhé!

Xem những vị trí KFC đang tuyển dụng » TẠI ĐÂY

Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả