Loading: %
Close
Menu

Quy trình phỏng vấn IT và những lưu ý quan trọng!

Mục lục bài viết

Điểm chung của tất cả các vị trí ứng tuyển trong ngành IT là yêu cầu ứng viên phải có trình độ chuyên môn cao. Vậy với một ngành đặc thù như vậy thì quy trình phỏng vấn IT có điểm gì khác biệt so với các ngành khác hay không? Và ứng viên cần lưu ý những gì ở cả trước, trong và sau quá trình phỏng vấn? Cùng tìm hiểu nhé!

» Tìm hiểu: 7 bước xây dựng quy trình tuyển dụng nhân sự

Quy trình phỏng vấn IT

Quy trình phỏng vấn IT thường rất linh hoạt, tùy theo trình độ của ứng viên. Với những ứng viên phỏng vấn cho vị trí Intern hay Fresher, quy trình phỏng vấn thường chỉ gói gọn trong khoảng 2-3, tối đa là 4 vòng. Còn với những ứng viên phỏng vấn cho vị trí Senior hoặc Leader trở lên thì quy trình phỏng vấn sẽ phức tạp hơn một chút, thường diễn ra trong khoảng 4-5 vòng. Song, tựu chung lại, các vòng phỏng vấn kể trên thuộc một trong hai dạng sau: 

1. Phỏng vấn chọn lọc (qua điện thoại hoặc phỏng vấn trực tiếp)

Trong lần phỏng vấn đầu tiên, HR sẽ là người trao đổi trực tiếp với ứng viên. Thời gian trao đổi tương đối ngắn, chỉ khoảng 15-60 phút, bởi mục đích chính của dạng này là để sàng lọc ứng viên. Họ cần đảm bảo rằng bạn là một ứng viên phù hợp trước khi quyết định đầu tư thêm thời gian cho bạn trong những lần phỏng vấn tiếp theo.

Với dạng phỏng vấn chọn lọc, HR thường sẽ hỏi ứng viên một vài câu hỏi nhanh liên quan đến thông tin cá nhân, mong muốn về quyền lợi và thu nhập khi tìm kiếm công việc mới, và cuối cùng là xác minh kinh nghiệm mà ứng viên đã nêu trong CV. Ngoài ra, HR của một số công ty cũng có thể kiểm tra cả trình độ tiếng Anh ngay trong vòng này luôn. 

Sau đó, HR sẽ đưa ra đánh giá sơ lược và gửi thông tin tổng hợp lại cho Hiring Manager. Hiring Manager dựa theo CV và đánh giá của HR để đưa ra quyết định có nên phỏng vấn tiếp hay không.

2. Phỏng vấn chuyên môn (Test năng lực, vấn đáp,...)

Tới vòng này, người phụ trách phỏng vấn không phải HR mà là Hiring Manager và Trưởng bộ phận. Thậm chí có thêm sự tham gia của Giám đốc, bởi đây không đơn thuần là vòng sàng lọc ứng viên nữa, mà là vòng tập trung làm rõ khả năng cũng như kinh nghiệm chuyên môn của ứng viên. 

Thông thường, ứng viên sẽ được yêu cầu làm bài test năng lực, hoặc được người phỏng vấn đưa ra tình huống giả định và yêu cầu trình bày giải pháp ngay tại chỗ. 

Với một nhân viên IT thì tiếng Anh là yêu cầu tối thiểu, vì thế 40-50% thời lượng của buổi phỏng vấn chuyên môn sẽ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Điều này giúp nhà tuyển dụng kiểm tra trình độ tiếng Anh của ứng viên một lần nữa. 

» Có thể bạn quan tâm: Bộ câu hỏi phỏng vấn IT

Thời gian phỏng vấn IT

1. Thời gian phỏng vấn

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, thời gian phỏng vấn chọn lọc rơi vào khoảng 15-60 phút, còn thời gian phỏng vấn chuyên môn kéo dài khoảng 45-60 phút, thậm chí là hơn. Điều này còn tùy vào thời gian trình bày của ứng viên.

2. Thời gian phản hồi kết quả

Theo quy trình phỏng vấn IT của nhiều công ty khác nhau thì kết quả sơ bộ sẽ có ngay trong ngày nếu phỏng vấn vào buổi sáng, hoặc có vào sáng ngày hôm sau nếu phỏng vấn vào buổi chiều. Nói chung là không quá 1-2 ngày. Do đó các bạn ứng viên thường sẽ được HR thông báo kết quả phỏng vấn qua email, qua điện thoại hoặc qua tin nhắn sms trong thời gian không quá 2 ngày. 

Trong một số trường hợp, Hội đồng tuyển dụng cần cân nhắc kỹ hơn giữa các ứng viên để chọn ra người phù hợp nhất, thế nên thời gian phản hồi kết quả sẽ lâu hơn một chút. Tuy nhiên thường không quá 7 ngày. Những ứng viên trúng tuyển ngoài nhận được mail thông báo kết quả sẽ được HR gọi điện trực tiếp để trao đổi kỹ hơn về offer và một số điều kiện công việc khác.

Những lưu ý khi phỏng vấn IT

Kể cả những bạn đã có hay chưa có kinh nghiệm tham gia phỏng vấn thì sự chuẩn bị là điều vô cùng quan trọng. Chính sự chuẩn bị này sẽ giúp các bạn ứng viên có thêm rất nhiều sự tự tin. Do đó, dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng, các bạn nên:

1. Xác định mục tiêu rõ ràng

Mục tiêu ở đây có thể là: tìm một công ty có môi trường văn hóa phù hợp hơn, một cơ hội thăng tiến, một người sếp phù hợp hoặc một chế độ phúc lợi tốt hơn.

Những mục tiêu này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng sắp tới của bạn với vị trí ứng tuyển và với công ty. 

2. Tìm hiểu sâu về công ty sẽ ứng tuyển

Đây là công ty Outsource hay công ty Product? Sản phẩm của công ty là gì? Công ty đang sử dụng loại công nghệ nào?,...Các ứng viên IT càng tìm hiểu sâu về công ty mà mình định ứng tuyển thì càng tốt. 

Hai nguồn thông tin đáng tin cậy mà bạn có thể khai thác là website và mạng xã hội. Còn nếu bạn có bạn bè hoặc người thân đã/đang làm việc tại công ty thì nguồn thông tin này lại càng chính xác và tuyệt vời hơn nữa.

3. Chuẩn bị CV kỹ lưỡng

Đôi khi do quá bận nên các bạn ứng viên không có nhiều thời gian để cập nhật CV. Nhưng nếu không chịu “chăm chút” cho CV của mình, chứng tỏ bạn đã bỏ lỡ một cơ hội “ghi điểm” rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng rồi đấy. 

Với dân IT thì nhà tuyển dụng thường chỉ quan tâm nhiều đến kinh nghiệm làm việc. Họ muốn biết ứng viên từng tham gia dự án nào, mức độ đóng góp là bao nhiêu, dự án thành công hay thất bại,...Do đó, khi trình bày CV, bạn nên tập trung vào mục Kinh nghiệm làm việc, nhất là kinh nghiệm trong khoảng 1-2 năm trở lại đây.

Ngoài kinh nghiệm làm việc, những chứng chỉ chuyên môn nổi bật cũng là thông tin cần được highlight trong CV. 

Và không chỉ riêng CV, nhà tuyển dụng cũng rất quan tâm đến hồ sơ của ứng viên trên LinkedIn. Vì thế đừng ngại scan tài khoản linkedIn ở một góc nào đó dễ nhìn trên tờ CV bạn nhé.

4. Chuẩn bị tâm lý

Khi thông tin đã được chuẩn bị trước thì bạn cũng đã có phần nào tự tin cốt lõi rồi. Để chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, trước ngày phỏng vấn 1 ngày, bạn nhất định nên đi ngủ sớm và ăn nhẹ nhàng. Tránh trường hợp gặp vấn đề về bụng dạ khi đang trong quá trình phỏng vấn.

Còn vào ngày phỏng vấn, bạn cần tới địa điểm phỏng vấn sớm hơn thời gian đã hẹn khoảng 10-15 phút để có thời gian ổn định tâm lý và làm quen với nơi phỏng vấn.

Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã nắm được quy trình phỏng vấn IT từ đầu đến cuối diễn ra như thế nào rồi chứ? Chúc bạn sớm tìm được một công việc phù hợp trong ngành IT. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy nó hay và hữu ích nhé.



Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả