Loading: %
Close
Menu

7+ kinh nghiệm phỏng vấn giúp gia tăng khả năng trúng tuyển!

Mục lục bài viết

Nếu sơ yếu lý lịch và thư ứng tuyển của bạn đủ ấn tượng để nhà tuyển dụng hẹn lịch đến phỏng vấn thì bạn đã thành công 1/3 chặng đường rồi đấy, việc còn lại là thể hiện thật tốt trong buổi phỏng vấn trực tiếp. Tuy nhiên, phỏng vấn không hề đơn giản chút nào. Ngay cả những ứng viên dày dặn kinh nghiệm thì cũng có thể bối rối và đánh mất cơ hội việc làm nếu như không chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để có được một số kinh nghiệm phỏng vấn nhé!

1. Nắm bắt yêu cầu của vị trí ứng tuyển

Trong quá trình chuẩn bị, điều quan trọng là phải đọc kỹ mô tả công việc (JD) và đảm bảo rằng bạn hiểu tất cả nội dung đi kèm với nó. 

Bản mô tả công việc là danh sách bao gồm yêu cầu về năng lực, phẩm chất và nền tảng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở một ứng viên lý tưởng. Như vậy, nếu năng lực của bạn càng sát với những yêu cầu được nêu trong JD thì cơ hội trúng tuyển của bạn sẽ càng cao. 

Ngoài ra, thông qua bản mô tả công việc, bạn còn có thể tự lên ý tưởng về những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi trong suốt thời gian phỏng vấn.

Theo như kinh nghiệm phỏng vấn gần 10 năm của tôi thì bạn nên đọc trước đánh giá đến từ những nhân viên đã làm việc tại các vị trí tương tự để hình dung được hoạt động hàng ngày sẽ diễn ra như thế nào. Nếu không thể tìm thấy thông tin thì trong cuộc phỏng vấn, hãy yêu cầu nhà tuyển dụng trình bày chi tiết hoạt động hàng ngày của vị trí này để bạn có thể sẵn sàng bắt đầu công việc ngay nếu nhận được lời mời làm việc. 

Nghiên cứu về vị trí ứng tuyển trước khi phỏng vấn sẽ giúp bạn đưa ra quyết định xem liệu vị trí đó có phù hợp với mình hay không.

2. Tìm hiểu về công ty

Nghiên cứu về công ty bạn mà đang ứng tuyển là một khâu vô cùng quan trọng mà những người có kinh nghiệm phỏng vấn luôn chú trọng để có một cuộc phỏng vấn hiệu quả. 

Nghiên cứu công ty càng nhiều, bạn sẽ càng có lợi thế hơn so với đối thủ. Không chỉ vậy, nó còn giúp bạn giữ bình tĩnh để có thể đạt được phong độ tốt nhất. Dưới đây là một số điều bạn nên tìm hiểu về công ty trước khi bước vào cuộc phỏng vấn:

2.1. Nghiên cứu sản phẩm hoặc dịch vụ

Cho dù vị trí mà bạn ứng tuyển có hay không liên quan trực tiếp đến sản phẩm/dịch vụ thì bạn vẫn nên có những hiểu biết cơ bản về các sản phẩm/dịch vụ chính mà công ty đang cung cấp hoặc quảng bá. Bạn không nhất thiết phải hiểu rõ từng chi tiết đâu, nhưng việc tìm hiểu trước sẽ giúp bạn thể hiện mình là một ứng viên cực kỳ chuyên nghiệp đấy.

Nếu có thể, hãy trình bày với họ quan điểm của bạn về sản phẩm đứng trên cả 2 góc nhìn từ phía công ty và người tiêu dùng. Làm được như vậy thì bài phỏng vấn của bạn sẽ càng tuyệt vời hơn nữa. 

2.2. Nghiên cứu lịch sử, đối thủ cạnh tranh, văn hóa công ty,...

Bạn có thể nghiên cứu thông tin này qua website và các trang mạng xã hội, hoặc là bài review của người đi trước trong các hội nhóm review công ty uy tín. 

Nếu như có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến văn hóa và môi trường làm việc tại công ty, hãy nhớ hỏi thẳng nhà tuyển dụng ngay trong cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi này có thể liên quan đến phần mềm và công cụ mà công ty sử dụng, đến chính sách của họ về thời gian nghỉ phép,... 

3. Luyện tập với các câu hỏi phỏng vấn

Thực hành phỏng vấn có thể khiến bạn cảm thấy tẻ nhạt nhưng đó là cách tốt nhất để giải tỏa lo lắng và cải thiện sự tự tin của bạn. 

Hãy tìm một người mà bạn tin tưởng hoặc người có kinh nghiệm phỏng vấn và thực hiện một cuộc phỏng vấn giả định. Mặc dù bạn không thể đoán trước mọi câu hỏi mà bạn sẽ được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, nhưng có một số câu hỏi phổ biến mà bạn có thể chuẩn bị trước câu trả lời, chẳng hạn như: Câu hỏi về điểm mạnh điểm yếu, câu hỏi lý thuyết chuyên môn,...

Đồng thời khuyến khích người bạn của mình tìm hoặc đưa ra các câu hỏi bổ sung có liên quan đến vị trí ứng tuyển. Vào cuối cuộc phỏng vấn, hãy lắng nghe nhận xét của họ và cải thiện điều đó trong lần phỏng vấn giả định tiếp theo.

Nếu bạn không có người thực hành cùng thì cũng chẳng sao cả. Bạn vẫn có thể thực hành một mình bằng cách ghi âm câu trả lời và tự đánh giá hiệu suất của mình. Chúng tôi không khuyến thích bạn nghĩ thầm trong đầu, bởi đôi khi những gì bạn nói chỉ truyền đạt được khoảng 60% so với những gì bạn nghĩ mà thôi.

Vì vậy, việc ghi âm sẽ cho bạn cơ hội để tinh chỉnh câu trả lời của mình và chuyển chúng vào bộ nhớ. Bạn càng lặp lại cuộc phỏng vấn nhiều lần, bạn sẽ càng tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn thực tế.

» Tham khảo: Bài test phỏng vấn thường gặp!

4. Mặc trang phục phù hợp

Những gì bạn mặc vào hôm phỏng vấn còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như quy mô công ty, ngành mà công ty hoạt động và văn hóa mà công ty quảng bá. Ví dụ, bạn có thể ăn mặc giản dị với áo thun và quần jeans khi đi phỏng vấn ở một công ty quảng cáo nhỏ, nhưng khi đi phỏng vấn ở một công ty tài chính lớn thì bạn bắt buộc phải mặc trang phục chuyên nghiệp, bao gồm vest và cà vạt với nam giới, áo blouse và chân váy dài với nữ giới. 

Nếu bạn không chắc chắn về quy định trang phục hoặc chưa từng có kinh nghiệm phỏng vấn ở công ty nào trước đây, hãy hỏi lại HR trước khi tham dự buổi phỏng vấn. Để đảm bảo an toàn thì chúng tôi khuyên bạn nên chọn trang phục công sở lịch sự, bao gồm combo quần tây, giày kín mũi và áo sơ mi. Hãy đảm bảo rằng quần áo của bạn được ủi phẳng và giày dép của bạn được sạch sẽ khi gặp mặt nhà tuyển dụng nhé.

Đối với các cuộc phỏng vấn qua điện thoại hoặc phỏng vấn trực tuyến, bạn cũng cần ăn mặc lịch sự giống như khi phỏng vấn trực tiếp. Nếu nhà tuyển dụng nhìn thấy bạn ngồi phỏng vấn trong một bộ đồ thể thao hoặc pijama, có lẽ buổi phỏng vấn sẽ không thành công.

5. Sẵn sàng đối mặt với những câu hỏi khó

Hãy trả lời tất cả các câu hỏi một cách rõ ràng và ngắn gọn. Nếu như nhà tuyển dụng làm khó bạn bằng những câu hỏi hóc búa, đừng tỏ ra luống cuống mà vội vàng trả lời ấp a ấp úng. Đây là lỗi cơ bản mà hầu như những bạn ứng viên chưa có kinh nghiệm phỏng vấn thường mắc phải. 

Lúc này bạn có thể xin tạm dừng một vài phút để cho bản thân có thêm thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời, tuy nhiên đừng để nhà tuyển dụng ngồi chờ quá lâu bạn nhé. Khi trả lời, hãy giữ tốc độ nói phù hợp, đừng nói quá nhanh bởi nói nhanh là dấu hiệu cho thấy bạn đang rất căng thẳng. Điều đó có thể ảnh hưởng không tốt đến phong độ của bạn.

» Có thể bạn quan tâm: Câu hỏi tình huống khi phỏng vấn

6. Luôn thành thật

Với kinh nghiệm phỏng vấn và tiếp xúc với hàng trăm ứng viên, không khó để nhà tuyển dụng có thể kiểm tra tính chính xác của những câu trả lời mà ứng viên cung cấp và vạch trần lời nói dối ngay tại cuộc phỏng vấn. Thế nên đừng bao giờ tồn tại suy nghĩ rằng mình có thể “chém gió” một chút về khả năng chuyên môn trước mặt nhà tuyển dụng nhé. 

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm làm việc thì cứ nói thẳng là “Em chưa có kinh nghiệm”. Tất nhiên nhà tuyển dụng nào cũng thừa hiểu rằng ai mà chả phải trải qua thời kỳ “chưa có kinh nghiệm”. Lúc này họ sẽ xét duyệt bạn dựa trên nhiều yếu tố khác như hoạt động ngoại khóa, thái độ làm việc,... 

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, có một số tình huống đặc biệt bắt buộc ứng viên phải nói dối để giảm thiểu tác hại, chẳng hạn như lý do nghỉ việc ở công ty cũ. 

Ví dụ trường hợp bạn bị đồng nghiệp chơi xấu hoặc bị sếp “gạ gẫm” đến mức phải nghỉ việc, nếu như thành thật trong trường hợp này thì bạn sẽ bị nhà tuyển dụng trừ điểm rất nặng vì tội nói xấu công ty cũ đấy. Họ sợ rằng nếu như nhận bạn vào làm, sau đó một vài năm bạn đi đến công ty khác phỏng vấn thì lại nói xấu công ty họ thì sao. Trong trường hợp này, những ứng viên có kinh nghiệm phỏng vấn sẽ trả lời rằng “Tôi nghỉ việc vì muốn tìm đến một môi trường mang tính thử thách hơn”. 

7. Chuẩn bị câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng

Vào cuối mỗi cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ dành ra khoảng 5-10 phút để ứng viên đặt câu hỏi. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao những ứng viên biết đặt câu hỏi, bởi điều này cho thấy ứng viên đã nghiên cứu về công ty và hiểu rõ về vị trí ứng tuyển. Vì vậy bạn nên dành thời gian trước khi phỏng vấn để chuẩn bị một số câu hỏi cho nhà tuyển dụng nhé! 

Câu hỏi có thể là:

  1. Đối với vị trí….thì một ngày sẽ bao gồm những công việc gì?
  2. Tại sao anh/chị thích làm việc ở đây?
  3. Những nhân viên đạt thành tích tốt nhất ở vị trí này thường có những phẩm chất gì?
  4. Tôi thực sự rất muốn tìm hiểu thêm về vị trí này. Cho tôi hỏi các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng là gì?

Khi cuộc phỏng vấn xin việc của bạn kết thúc, hãy đảm bảo rằng bạn biết lúc nào sẽ nhận được kết quả, đồng thời gửi lời cảm ơn người phỏng vấn vì đã cho bạn cơ hội tham dự.

Ghi lại một số câu hỏi đã được hỏi và cách bạn trả lời chúng trong khi cuộc phỏng vấn. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc phỏng vấn sau này.

Chìa khóa để có một cuộc phỏng vấn thành công là sự chuẩn bị. Vì vậy, còn chần chờ gì mà không áp dụng ngay những mẹo kinh nghiệm phỏng vấn mà chúng tôi vừa gợi ý trên đây cho buổi phỏng vấn sắp tới?

» Tham khảo: Cách viết thư cảm ơn sau phỏng vấn

Xem những vị trí KFC đang tuyển dụng » TẠI ĐÂY


Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả