Loading: %
Close
Menu

5+ Cách cải thiện kỹ năng giao tiếp công sở!

Mục lục bài viết

Giao tiếp đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và là một phần không thể thiếu ở nơi làm việc. Khi tất cả nhân viên trong công ty phát triển kỹ năng giao tiếp công sở sẽ tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, và chính chất lượng giao tiếp cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất công việc. 

kỹ năng giao tiếp công sở

Giao tiếp công sở quan trọng như thế nào?

- Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc là chìa khóa giúp chúng ta xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong một tổ chức. Hình thành mối quan hệ nghề nghiệp với đồng nghiệp, người quản lý, khách hàng và các bên liên quan khác sẽ giúp bạn tiến xa hơn trên con đường phát triển sự nghiệp của mình. 

- Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp công sở sẽ giúp công việc của chúng ta trở nên thú vị hơn. Giữa đồng nghiệp với nhau sẽ không có chuyện “chơi xấu” hay đùn đẩy trách nhiệm, mà thay vào đó là luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn. 
Nhân viên được tự do nêu lên quan điểm cá nhân mà không sợ bị sếp ghi thù chuốc oán. Và khi tất cả mọi người làm việc cùng nhau theo cách này, tinh thần và năng suất của cả nhóm sẽ tăng vọt.

Theo một cuộc thăm dò của Salesforce, 86% nhân viên và giám đốc điều hành cho rằng sự thiếu hợp tác do giao tiếp không hiệu quả là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của dự án và sản phẩm trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Mặc dù tác hại của việc giao tiếp không hiệu quả tại nơi làm việc có thể không rõ ràng trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài, nó lại có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp. 

Kỹ năng giao tiếp công sở

Một ví dụ nổi tiếng về khả năng giao tiếp kém là thông báo sa thải của RadioShack vào năm 2006. Được biết công ty này đã sa thải 400 nhân viên bằng cách thông báo cho nhân viên qua email. Điều này khiến các nhân viên của công ty cảm thấy rất phẫn nộ. Sau động thái này, RadioShack đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phía công chúng do sử dụng phương tiện giao tiếp không chính xác với nhân viên của mình: họ sử dụng email thay vì các cuộc gặp mặt trực tiếp.

- Cuối cùng, giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên. Theo tổ chức Gallup, những người chỉ đơn giản có một người bạn tốt ở nơi làm việc sẽ có khả năng gắn bó với công việc cao hơn gấp 7 lần. Điều này sẽ tạo ra sức mạnh to lớn đưa doanh nghiệp thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng.

Đọc bài:

Kỹ năng thuyết trình

Kỹ năng đàm phán

Cải thiện kỹ năng giao tiếp công sở với 5 gợi ý sau

Bây giờ, hãy cùng tham khảo những gợi ý quan trọng giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp nơi công sở nhé!

1. Tôn trọng người khác

Nếu bạn muốn có những cuộc giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc, điều quan trọng nhất là thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Cho dù bạn đang trình bày ý tưởng, thực hiện một thỏa thuận kinh doanh, hoặc chỉ tham gia vào cuộc trò chuyện thông thường với sếp hoặc đồng nghiệp thì sự tôn trọng trong giao tiếp là điều cần thiết. Chỉ khi bạn thực sự tôn trọng người khác thì bạn mới được người khác tôn trọng. 

Tôn trọng trong giao tiếp là việc chúng ta lắng nghe một cách cẩn thận và đáp lại đối phương một cách tử tế, ngay cả khi chúng ta không đồng ý với họ.

Mặc dù mỗi nhân viên trong công ty có sự khác biệt về xuất thân, vị trí, bằng cấp và một số yếu tố khác, nhưng chính những sự khác biệt đó lại là yếu tố tạo nên một môi trường làm việc đa diện và thúc đẩy sự tiến bộ. Vì vậy hãy luôn đảm bảo tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người.

Tôn trọng người khác

2. Hạn chế cái tôi của bạn và luôn lắng nghe người khác

Mọi người thường có xu hướng nói nhiều khi giao tiếp, tuy nhiên chúng ta lại quên mất rằng mình có một miệng để nói nhưng lại có tới hai tai để lắng nghe. Vì vậy bạn cũng nên dành thời gian để chú ý lắng nghe những gì người khác đang nói. Lắng nghe ở đây không phải là nghe cho có, mà phải nghe có chọn lọc và nghe để thấu hiểu. Đây là kỹ năng giao tiếp công sở sẽ giúp bạn nắm bắt ý tưởng của đối phương một cách nhanh chóng. 

Trong quá trình lắng nghe người khác nói, cho dù bạn có thất vọng đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng không bao giờ được phép xúc phạm, chê bai hoặc chế giễu ý tưởng của họ. Điều này sẽ chỉ dẫn đến sự mất tôn trọng lẫn nhau khiến đối phương khó chịu và phá vỡ mối quan hệ của bạn.

Thay vào đó, hãy chọn cách thỏa hiệp hoặc đưa ra những lời nhận xét mang tính xây dựng và đề cập đến những gì họ có thể làm khác đi để phát triển tốt hơn. Bằng cách này, bạn đã mang lại cho đối phương sự tự tin và sự khích lệ mà họ cần.

Hạn chế cái tôi

3. Sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp

Giúp đỡ đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn là một cơ hội thúc đẩy mối quan hệ trở nên thân thiết và cởi mở hơn. Vì vậy hãy giúp đỡ họ khi cần thiết, ngược lại nếu sau này bạn gặp khó khăn, người khác cũng sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Đôi khi bạn chỉ giúp người khác những việc nhỏ nhặt nhưng điều bạn nhận lại từ họ lại có thể thay đổi cả cuộc đời bạn đấy.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp mọi lúc mọi nơi khi họ nhờ bạn. Lần một lần hai thì có thể họ cần sự giúp đỡ thật, nhưng nếu bạn giúp quá nhiều lần, họ sẽ coi điều đó là hiển nhiên và vô tư lợi dụng bạn ở những lần kế tiếp. Một trường hợp khác mà bạn không nên nhúng tay vào là khi việc đó vượt quá năng lực hiện tại của bạn. Bởi, “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại”, lòng tốt chỉ thật sự đem lại giá trị khi đặt đúng chỗ.

Giúp đỡ đồng nghiệp

4. Không nói xấu đồng nghiệp

Nếu muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp công sở, hãy dừng ngay việc đồn thổi tiêu cực hay bịa đặt nói xấu người khác. Điều này sẽ chỉ khiến hình ảnh của bạn trở nên tồi tệ hơn trong mắt người khác. Nếu đồng nghiệp nào đó kể xấu về một đồng nghiệp khác với bạn, và bạn tham gia vào cuộc trò chuyện đó thì rất có thể vào một ngày nào đó trong tương lai, chính họ sẽ là người kể xấu về bạn với người khác.

Một khi không đồng ý với cách cư xử của đồng nghiệp, cách tốt nhất để bạn giải quyết vấn đề là nói chuyện trực tiếp. Thông thường, chúng ta sẽ cố gắng tự kiềm chế sự không hài lòng của mình để nỗi bất mãn ngấm ngầm trong lòng, hoặc là chọn cách phàn nàn sau lưng họ vì chúng ta lo lắng việc đối đầu trực tiếp sẽ tạo ra căng thẳng.

Tuy nhiên bạn lại đâu biết rằng vấn đề thậm chí sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu như bạn chọn một trong hai cách này. Thay vào đó, hãy nói thẳng tình huống với người đó dựa trên tinh thần xây dựng và tôn trọng.

Không nói xấu đồng nghiệp

5. Hãy khen ngợi khi có thể

Bạn có biết rằng, một trong số những cách tốt nhất để nâng cao tinh thần đồng đội là khen ngợi đồng nghiệp và sếp của mình. Nếu bạn đang ở cấp quản lý, bạn sẽ càng cần làm điều này nhiều hơn để thúc đẩy tinh thần làm việc của cấp dưới.

Tuy nhiên, vẫn có những lời khen ngợi mà bạn chỉ nên dành cho bạn bè của mình, chẳng hạn như “Tóc của bạn hôm nay trông rất đẹp!” hoặc "Hôm nay bạn mặc bộ đồ này trông rất phong cách". Chúng không nên được sử dụng để khen ngợi trong môi trường công sở. Dưới đây là một số ý tưởng khen ngợi chuyên nghiệp và tuyệt vời dành cho đồng nghiệp:

- “Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao với cách trình bày công việc cũng như xử lý cuộc họp mà bạn đã làm vào sáng nay”;
- “Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã giúp đỡ hoàn thành dự án này! Có lẽ tôi thật sự không thể đạt được thành tích tốt như vậy nếu không có sự giúp đỡ bạn";
- “Chúc mừng bạn giành được dự án với kinh phí lớn nhất trong tháng này, bạn xứng đáng với điều đó. Bạn là tấm gương truyền cảm hứng để tôi phấn đấu làm việc tốt hơn”;
- “Cảm ơn sếp vì đã luôn lắng nghe những ý tưởng của tôi trong thời gian qua và dạy cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu”.

Giao tiếp công sở là một khía cạnh quan trọng của nỗ lực truyền thông nội bộ trong một tổ chức. Chắc hẳn sau khi đọc xong bài viết này, bạn đã nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp công sở rồi đúng không? Mong rằng với 5 gợi ý để cải thiện kỹ năng này, bạn sẽ đạt được bước tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công.

KFC đang tuyển dụng nhiều vị trí, khám phá ngay » TẠI ĐÂY
 

Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả