Loading: %
Close
Menu

Linkedin là gì? Cách sử dụng Linkedin toàn tập cho người mới!

Mục lục bài viết

Với con số hơn 700 triệu người dùng, Linkedin đang là nền tảng hàng đầu thế giới trong thực hiện vai trò kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng. Thông qua nền tảng này, không chỉ mỗi ứng viên tìm kiếm được việc làm, mà các headhunter cũng tìm kiếm được những profile “khủng” về cho doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Linkedin là gì và cách sử dụng Linkedin một cách hiệu quả nhé!

» Có thể bạn quan tâm: CV là gì? Cách tạo CV chuyên nghiệp!

1. Linkedin là gì?

LinkedIn là một trang mạng xã hội được thành lập bởi một doanh nhân người Mỹ tên là Reid Hoffman vào tháng 12 năm 2002.

LinkedIn hướng tới đối tượng người dùng là các doanh nghiệp và các cá nhân có nhu cầu tuyển dụng, tìm kiếm cơ hội việc làm, hoặc chỉ đơn thuần là mở rộng mối quan hệ với những người dùng chuyên nghiệp khác. 

Như vậy từ chủ doanh nghiệp nhỏ, CEO đến nhân viên kế toán, designer, lập trình viên,… đều có thể sử dụng LinkedIn để tham gia vào mạng lưới các chuyên gia cũng như các công ty trong và ngoài ngành của họ.

Trên LinkedIn, các kết nối (connections) được chia thành 3 cấp bậc gồm:

  1. 1st-degree: Bao gồm những cá nhân đã nằm trong network của bạn. Điều này có nghĩa là bạn và đối phương đã chấp nhận lời mời “Connect” của nhau;
  2. 2nd-degree: Bao gồm những cá nhân đã nằm trong network của nhóm 1st-degree nhưng bạn và đối phương lại chưa “Connect” với nhau;
  3. 3rd-degree: Bao gồm những cá nhân đã nằm trong network của nhóm 2nd-degree nhưng bạn và đối phương lại chưa “Connect” với nhau.

Với connections thuộc cấp 2nd-degree và 3rd-degree, bạn hoàn toàn có thể gửi lời mời “Connect” cho họ (nếu muốn). Khi đối phương đồng ý, họ sẽ nằm trong network của bạn.

Hiện tại LinkedIn đang cung cấp cho người dùng 2 gói tài khoản là Basic (miễn phí) và Premium (có trả phí). Tuy nhiên trước khi đưa ra quyết định nên sử dụng gói tài khoản nào thì bạn cũng cần đăng ký tài khoản và thiết lập hồ sơ cá nhân bao gồm tên, tiểu sử, bằng cấp học thuật và kinh nghiệm làm việc trước đã. 

Đa phần người dùng trên LinkedIn đều sử dụng gói Basic, gói Premium thường dành cho doanh nghiệp và headhunter. Với tài khoản Basic, bạn được phép thực hiện các tính năng cơ bản sau:

  • Xây dựng profile;

  • Kết nối với những người dùng khác trên LinkedIn bằng cách “Connect” với họ. Tính năng này tương tự như tính năng “Add Friend” (Thêm bạn bè) trên Facebook;

  • Gửi tin nhắn trực tiếp thông qua LinkedIn Messaging tới những người đã nằm trong network của bạn;

  • Tìm kiếm và theo dõi hồ sơ của những người dùng LinkedIn khác;

  • Biết được tối đa 5 người dùng đã xem hồ sơ của bạn.

Riêng với gói Premium, LinkedIn chia thành 4 loại dịch vụ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng của người dùng: Premium Essentials (tìm kiếm nhân tài), Premium Pro (tìm kiếm việc làm), Sales Navigator Core (bán hàng) và Recruiter Lite (tăng khả năng tiếp cận ứng viên).

Như vậy chúng ta có thể thấy cơ chế hoạt động của LinkedIn tương đối giống với cơ chế hoạt động của nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh - Facebook.

» Đọc bài: Hồ sơ xin việc bao gồm những gì?

2. Có nên sử dụng Linkedin không?

Câu trả lời là CÓ. Ngay cả khi bạn không có nhu cầu tìm kiếm một công việc mới thì vẫn nên tạo profile trên LinkedIn. Và đây chính là 4 lý do:

  • Giúp bạn phát triển mạng lưới chuyên nghiệp: Những cá nhân trong network của bạn có thể giúp bạn trong việc tìm đơn vị thực tập, cung cấp thông tin về nhà tuyển dụng tiềm năng hoặc viết thư giới thiệu cho bạn tới một doanh nghiệp khác,...Vì vậy hãy sử dụng LinkedIn thật hiệu quả để xây dựng, quản lý và phát triển network nhé;

  • Giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân: Khi nộp đơn xin việc hoặc đơn xin thực tập, đôi khi nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm thông tin ứng viên trên Google để xem người này có uy tín hay không. Và nếu như profile của bạn hiển thị ở đầu kết quả tìm kiếm, không chỉ nhà tuyển dụng mà bất kỳ ai khác đều sẽ cảm nhận được kinh nghiệm và tài năng của bạn. Để làm được như thế thì profile của bạn trên LinkedIn cần được mọi người cung cấp xác nhận và đề xuất;

  • Giúp profile của bạn trở nên nổi bật hơn: Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có 26% sinh viên đại học sử dụng LinkedIn. Điều này có nghĩa là tên tuổi của bạn sẽ nổi bật hơn những ứng viên khác ngang hàng với mình chỉ bằng cách tạo hồ sơ trên LinkedIn và thiết lập network chuyên nghiệp;

  • Đó là một công cụ tuyệt vời để nghiên cứu công ty: Trong quá trình nộp hồ sơ ứng tuyển và phỏng vấn, việc nghiên cứu công ty là một bước quan trọng. LinkedIn có thể làm được điều đó. Chỉ mất 5 giây nhập tên của công ty vào thanh tìm kiếm của LinkedIn, tất cả các dữ liệu liên quan đến công ty đó sẽ xuất hiện ngay lập tức: từ tình hình nhân sự theo giới tính, danh sách cựu nhân viên và nhân viên hiện tại đến vị trí trụ sở và văn phòng đại diện của công ty,... Ngoài ra, bạn cũng có thể tra cứu thông tin của người sẽ trực tiếp phỏng vấn bạn ngay trên nền tảng này để chuẩn bị tinh thần cho cuộc phỏng vấn sắp tới. 

» Tham khảo: Cách viết mail xin việc

3. Cách sử dụng Linkedin hiệu quả

Với những HR và headhunter dày dặn kinh nghiệm, họ chỉ cần vài phút lướt một vòng profile LinkedIn là đã có thể đưa ra kết luận bạn có phải ứng viên chuyên nghiệp hay không. Do đó, hãy dành thời gian chăm chút cho profile của mình với 9 mẹo nhỏ mà chúng tôi gợi ý dưới đây để có một profile thật ấn tượng nhé.

3.1. Thay đổi URL

Khi mới tạo hồ sơ trên LinkedIn, bạn sẽ thấy URL gắn với profile của mình thường được mặc định bởi một chuỗi số và chữ rất dài, kiểu như: 

Lúc này bạn cần rút ngắn URL này để bất kỳ ai muốn tìm kiếm hồ sơ của bạn cũng sẽ nhanh chóng tìm kiếm được. 

Để thay đổi URL, bạn chỉ cần thực hiện 3 bước sau:

  • Bước 1: Click vào góc phải của profile;

  • Bước 2: Chọn mục Edit public profile & URL;

  • Bước 3: Bấm vào biểu tượng bút chì trong phần Edit your custom URL và tiến hành chỉnh sửa. Tốt nhất bạn nên đổi thành tên của mình!

3.2. Chọn ảnh chân dung và ảnh bìa chuyên nghiệp

Ảnh chân dung là một trong những thứ đầu tiên mà mọi người nhìn thấy. Nó đại diện cho tính cách và sự nghiêm túc của bạn đối với công việc. Do đó, nếu bạn muốn sử dụng LinkedIn để tìm kiếm việc làm, hãy đảm bảo rằng ảnh đại diện phải thật chuyên nghiệp và thân thiện.

Vậy ảnh như thế nào mới được gọi là chuyên nghiệp?

  • Ảnh phải giống với bạn ngoài đời: Bạn có thể dùng app để chỉnh sửa một chút cho khuôn mặt sáng sủa hơn, nhưng tuyệt đối không được lạm dụng photoshop quá đà đến mức không ai nhận ra;

  • Ảnh được chụp trong vòng 6 tháng;

  • Ảnh cận mặt chiếm khoảng 70% khung hình: Bạn không nhất thiết phải sử dụng ảnh thẻ, có thể chọn bất kỳ bức ảnh nào bạn thích nhưng phải đảm bảo nhìn rõ mặt;

  • Background đơn giản, không quá rối mắt: Nếu bạn không thành thạo photoshop, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn 2 website hữu ích, và đặc biệt là miễn phí 100%. Đó là remove.bg (giúp bạn loại bỏ background xấu) và canva.com (giúp bạn chèn lại background hợp mắt hơn).

Bạn cũng có thể tải ảnh bìa để làm cho hồ sơ của mình nổi bật hơn nữa. Tuy nhiên, ảnh đại diện sẽ quan trọng hơn nhiều, vì đó là một trong những thứ nhà tuyển dụng nhìn thấy trước khi nhấp vào hồ sơ của bạn.

3.3. Viết tiêu đề profile thu hút

Giống như ảnh đại diện, dòng tiêu đề cũng là một trong số ít những thứ đập vào mắt mọi người đầu tiên, trước cả khi nhấp vào profile bạn. Vì vậy, bạn cần viết tiêu đề thật thu hút thì mới nhận được vô số kết nối đến từ nhà tuyển dụng cũng như các ứng viên khác trên LinkedIn. 

Bạn có thể áp dụng 1 trong 2 công thức đặt tiêu đề gây ấn tượng như sau:

  • Chức vụ | Chuyên về công việc/kỹ năng nào đó;

  • Chức vụ | Chuyên về công việc/kỹ năng nào đó + giúp ai vấn đề gì.

Ví dụ: Editor chuyên nghiệp | Chuyên về edit video TikTok (Professional Editor | Specialized in editing TikTok videos).

Riêng đối với những bạn HR, bạn có thể tận dụng chính tiêu đề trên LinkedIn theo công thức sau để thu hút ứng viên biết đến vị trí mà bạn đang tuyển:

Chức vụ | Vị trí đang tuyển + 3 quyền lợi đặc biệt nhất.

Ví dụ: HR chuyên nghiệp | Đang tuyển Web Developer lương cao, môi trường nước ngoài, dự án hấp dẫn. 

3.4. Viết Profile Summary thật ấn tượng

Mục Summary hoặc About trên LinkedIn là cơ hội để ứng viên thỏa sức thể hiện cá tính cũng như những thành tựu của bản thân với nhà tuyển dụng mà không cần phải tuân theo khuôn mẫu nào cả. Dẫu vậy thì bạn vẫn cần tiết chế trong văn phong, tránh tình trạng đánh bóng tên tuổi một cách thái quá. 

Ngoài ra còn có một cách đặc biệt giúp profile của bạn trở nên “xịn sò” hơn trong mắt nhà tuyển dụng, đó chính là sử dụng mục Summary để kể một câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê. Tuy nhiên cách này lại không quá phổ biến do không phải câu chuyện của ai cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Do đó mọi người thường chọn cách an toàn hơn là trình bày điểm mạnh và thành tích đạt được, kèm theo portfolio (nếu có).

Nếu như đọc đến đây mà bạn vẫn chưa hình dung được mình nên viết Profile Summary như thế nào, hãy tham khảo profile của những cá nhân có network “khủng” hoặc những cá nhân đang nắm giữ vị trí quan trọng tại doanh nghiệp để học hỏi và áp dụng cho bản thân nhé.

3.5. Viết kinh nghiệm làm việc của bạn dưới dạng kết quả / thành tích

Khi trình bày mục kinh nghiệm làm việc trên LinkedIn, bạn không cần liệt kê chi tiết công việc hàng ngày tại mỗi công ty giống như trong CV. Những gì mà bạn cần nêu gồm có:

  • Chức vụ;

  • Thời gian làm việc;

  • Tên công ty: Nên gắn thêm đường link website chính thức của công ty để gia tăng độ tin cậy cho profile của bạn;

  • Thành tích: Giả sử bạn từng có kinh nghiệm 2 năm làm Nhân viên Chăm sóc khách hàng tại Công ty X, đừng chỉ nói suông là "Chịu trách nhiệm giải đáp thắc mắc của khách hàng". Thay vào đó hãy nói rằng “Tôi đã từng xử lý thành công 150 yêu cầu của khách hàng qua hotline mỗi tuần với chỉ số hài lòng lên tới 99%”. Chắc chắn điều đó sẽ giúp hồ sơ của bạn nổi bật hơn rất nhiều đấy. 

3.6. Khoe khéo kỹ năng

Một tính năng nổi bật được đánh giá cao của LinkedIn là cho phép người dùng hiển thị các kỹ năng nổi bật. Đây được xem như một cách đơn giản và hiệu quả để xây dựng thương hiệu và mở rộng network của bạn.

LinkedIn sẽ gợi ý rất nhiều kỹ năng (tối đa 50 mục) trong danh sách kết nối của bạn. Tuy nhiên bạn chỉ nên chọn lọc 3 kỹ năng mà bạn cho là quan trọng nhất đối với vị trí ứng tuyển và ghim nó lên hàng đầu bằng cách nhấp vào biểu tượng hình bút chì ở phía bên phải màn hình để người xem có thể dễ dàng nhận biết nhé.

Những kỹ năng này thường xuất hiện lộn xộn, không theo trình tự nào cả. Do đó bạn có thể sắp xếp lại thứ tự hiển thị các kỹ năng của mình hoặc ẩn chúng khỏi danh sách kỹ năng nếu muốn. 

Sau khi thêm một kỹ năng nào đó trong hồ sơ LinkedIn, các cá nhân trong danh sách kết nối 1st-degree của bạn có thể vào xác nhận kỹ năng này. Đây được gọi là Endorsements, khác hoàn toàn với Recommendations (đề xuất). Bạn càng nhận được nhiều Endorsements thì profile của bạn càng uy tín và tăng khả năng kết nối.

Các nhà tuyển dụng liên tục tìm kiếm trên LinkedIn và mỗi kỹ năng được xem như một từ khóa. Ví dụ, nếu HR của công ty X tìm kiếm từ khóa “Sáng tạo” và bạn đã liệt kê “Sáng tạo” là 1 trong 5 kỹ năng nổi bật, khi đó profile của bạn sẽ được hiển thị trong kết quả tìm kiếm của họ.

Nếu bạn chưa biết nên lựa chọn kỹ năng nào, hãy tham khảo hồ sơ LinkedIn của những đồng nghiệp uy tín trong ngành và áp dụng cho hồ sơ của riêng bạn.

3.7. Cập nhật thông tin liên hệ

“Sorry em, bên chị đang cần tuyển gấp quá nên vừa chốt lịch phỏng vấn với ứng viên khác rồi em”.

Nếu không muốn nhận được những câu trả lời tương tự như thế này, hãy chủ động công khai thông tin liên hệ trong profile LinkedIn để HR có thể dễ dàng trao đổi trực tiếp với bạn nhé. 

Có 2 nơi mà bạn có thể sử dụng để cập nhật thông tin liên hệ: 

  • Ngay tại ảnh bìa: Chỉ cần truy cập vào trang web canva.com, thật không khó để bạn có thể tự thiết kế một profile banner cực chất chứa thông tin liên hệ của mình; 

  • Ngay tại mục Profile Summary: Hãy sử dụng mẫu câu sau “Nếu bạn muốn….., hãy liên lạc ngay với tôi qua……”

Ví dụ: Nếu bạn có nhu cầu tuyển dụng Content Marketing mảng Social, hãy liên hệ với tôi qua SDT 0123456789 hoặc tại email JolieNguyen.work@gmail.com.

» Có thể bạn quan tâm: Cách định hướng nghề nghiệp

3.8. Nhận đề xuất (recommendations)

Một trong những cách tốt nhất để hồ sơ của bạn trở nên nổi bật và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, đó chính là nhận được một vài recommendations (đề xuất) từ những cá nhân khác.

Những cá nhân này có thể là người quản lý trước đây của bạn, có thể là đồng nghiệp mà bạn đã làm việc cùng, hoặc thậm chí là người mà bạn đã từng đào tạo, quản lý hoặc giám sát. Nếu là một người làm việc tự do thì bạn có thể xin đề xuất đến từ một khách hàng mà bạn từng hợp tác.

Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người mới vào nghề, bạn có thể xin đề xuất của giảng viên, những người đã làm việc cùng bạn trong một dự án nghiên cứu hoặc những đồng nghiệp trong thời gian đi thực tập.

Tuy nhiên không phải tự nhiên mà những người này chịu cung cấp recommendations tại hồ sơ LinkedIn của bạn đâu. Bạn phải chủ động mở lời để xin sự giúp đỡ và đừng quên gửi lời cảm ơn hoặc một món quà nhỏ tới họ sau khi kết thúc đề xuất nhé.

Hãy lịch sự liên hệ với họ qua LinkedIn hoặc email theo mẫu sau:

“Xin chào……. Tôi đang nỗ lực cải thiện hồ sơ LinkedIn của mình và một trong những mục tiêu của tôi là nhận được một vài lời giới thiệu từ các đồng nghiệp đã hiểu rõ về công việc trước đây của tôi. Bạn có thể viết cho tôi một vài dòng đề xuất trên LinkedIn trong tuần này để giúp tôi cải thiện hồ sơ của mình không? Tôi có thể làm điều tương tự cho bạn nếu bạn muốn, chỉ cần cho tôi biết.”

3.9. Cập nhật profile thường xuyên

Mỗi khi đạt được thành tích ấn tượng, được thăng chức lên vị trí mới hay thậm chí chuyển sang lĩnh vực khác,...hãy cập nhật chúng lên profile thường xuyên. Điều này sẽ gián tiếp chứng minh năng lực cũng như mức độ thăng tiến của bạn trong công việc. Và tất nhiên là nhà tuyển dụng nào cũng muốn được kết nối với những ứng viên xuất sắc như vậy rồi.

Khi muốn cập nhật profile, bạn chỉ cần click vào biểu tượng bút chì ngay bên cạnh chữ “More” và điền thêm thông tin là xong. 

Còn lại những lưu ý trong cách trình bày kinh nghiệm làm việc cũng đã được chúng tôi nêu rất rõ trong mục 3.5. Vui lòng lướt lên phía trên để xem lại nếu bạn chưa nắm rõ cách trình bày nhé.

4. Cách tạo network chất lượng với Linkedin

Chúng ta không thể phủ nhận một sự thật là: Nếu ai đó có càng nhiều kết nối cấp 1 (1st-degree) thì cơ hội tiếp cận với các job “xịn” sẽ càng lớn. 

Giả sử bạn có khoảng 100 connections cấp 1, mỗi người này lại có khoảng 100 connections khác. Như vậy danh sách kết nối cấp 1 và cấp 2 của bạn có thể mở rộng lên tới 10.000 người. Trong số 10.000 người này, chỉ cần bạn tiếp cận được với 100 cơ hội việc làm, và trong số 100 cơ hội việc làm này, chỉ cần bạn thành công với 1 deal là đã quá đủ rồi phải không nào?

Tuy nhiên, đừng tùy tiện connect với người khác nếu như họ không thể giúp gì cho công việc của bạn. Hãy xây dựng và phát triển một network thật chất lượng trên LinkedIn với 3 nhóm người sau:

  1. Người làm cùng vị trí với bạn trong công ty cũ;
  2. Người đang làm việc tại công ty/tập đoàn mà bạn mơ ước;
  3. Người làm công tác tuyển dụng.

Vậy là bạn đã hiểu được LinkedIn là gì và 9 bước để có một profile Linkedin ấn tượng rồi chứ? Chúc các bạn sớm tìm được công việc phù hợp với LinkedIn và đừng quên theo dõi website của chúng tôi để cập nhật các bài viết về tuyển dụng nhé.

Đừng quên tham khảo những vị trí KFC đang tuyển dụng » TẠI ĐÂY

 

Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả