Loading: %
Close
Menu

Top 5+ bài trắc nghiệm nghề nghiệp bạn cần biết!

Mục lục bài viết

Có rất nhiều người trong chúng ta không biết mình đam mê cái gì, hoặc đam mê quá nhiều thứ và không biết phải lựa chọn như thế nào. Tin tốt là có rất nhiều bài trắc nghiệm nghề nghiệp có thể giúp bạn khám phá nghề nào phù hợp nhất với đặc điểm, kỹ năng và tính cách của mình. Cùng tìm hiểu nhé!

» Tham khảo: Bài test phỏng vấn thường gặp

Có nên làm trắc nghiệm nghề nghiệp không?

Câu trả lời là “CÓ”. Một bài kiểm tra trắc nghiệm nghề nghiệp có thể giúp bạn:

1. Khám phá sở thích nghề nghiệp

Nếu như bạn vẫn chưa thể tìm thấy đam mê thì kết quả của một vài bài test nghề nghiệp sẽ giúp bạn tìm hiểu về tính cách của mình. Sau đó gợi ý danh sách tất cả các nghề nghiệp tiềm năng hiện có, trong đó có một số nghề mà bạn chưa từng được nghe nói đến hoặc chưa từng cân nhắc! 

Còn nếu bạn đang cân nhắc chuyển đổi nghề nghiệp thì kết quả của bài test nghề nghiệp sẽ giúp bạn đưa ra quyết định nên làm gì với tình hình hiện tại của mình. Điều gì khiến bạn không hài lòng: Do văn hóa doanh nghiệp hay do tính chất công việc? Hay đơn giản là vì sở thích của bạn nằm ở một lĩnh vực khác? Một bài trắc nghiệm nghề nghiệp sẽ giúp bạn trả lời tất cả những câu hỏi khó đó.

2. Đạt được sự tự tin

Không phải ai ra trường cũng được làm đúng ngành mình học, làm đúng nghề mình thích, mà đôi khi công việc sẽ đến với chúng ta một cách rất tình cờ. 

Bằng cách xác định rõ ràng các đặc điểm tính cách, sở thích cũng như phong cách làm việc, kết quả của bài kiểm tra nghề nghiệp sẽ giúp bạn nêu rõ lý do tại sao bạn lại hợp hoặc không hợp với con đường hiện tại. Biết đâu công việc trái ngành mà bạn đang làm hiện tại mới là “lựa chọn chân ái cả đời” của bạn thì sao.

» Hướng dẫn: Chọn nghề theo tính cách

Top 5 bài trắc nghiệm nghề nghiệp thường gặp

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng trải nghiệm ngay 5 bài test trắc nghiệm nghề nghiệp dưới đây nhé!

1. MBTI

Đây là bài kiểm tra tính cách nổi tiếng nhất và nó có thể được áp dụng cho tất cả các loại nghề nghiệp.

Cùng với việc thực hành phân tích điểm mạnh - điểm yếu của bản thân, việc hiểu các đặc điểm tính cách của chính mình và ảnh hưởng của những đặc điểm đó tới công việc lý tưởng cũng là một điều hết sức quan trọng. Ví dụ, một người có biểu hiện tính cách hướng nội sẽ phát triển mạnh trong những ngành nghề mang lại cho họ nhiều không gian và sự độc lập như kế toán, kỹ sư phần mềm, lập trình,.... Điều này có thể được thực hiện với bài kiểm tra tính cách phổ biến MBTI. 

Bài kiểm tra phân loại tính cách dựa trên 4 yếu tố: 

  1. Xu hướng tự nhiên: Hướng nội (I) hoặc Hướng ngoại (E);
  2. Nhận thức về thế giới: Cảm nhận (S) hoặc Trực giác (N);
  3. Quyết định và lựa chọn: Lý trí (T) hoặc Cảm xúc (F);
  4. Cách thức hành động: Nguyên tắc (J) hoặc Linh hoạt (P).

Mỗi chữ cái được lấy ra từ một trong 4 yếu tố kể trên sẽ kết hợp lại với nhau tạo thành một kiểu tính cách trong MBTI, chẳng hạn như "INTJ" hoặc "ESFP". Có tất cả 16 kiểu tính cách như thế.

» Tìm hiểu chi tiết hơn trong bài: MBTI

2. Holland

Bài kiểm tra trắc nghiệm nghề nghiệp Holland không chỉ cho bạn biết nghề nghiệp nào phù hợp với mình, mà nó còn cho bạn biết loại môi trường văn phòng sẽ giúp bạn thành công.

Khi bạn hoàn thành bài đánh giá, bạn sẽ biết được loại tính cách của mình dựa trên Mã Hà Lan. Sáu kiểu tính cách trong mô hình Holland là:

  1. Thực tế (Realistic): Những người thuộc nhóm (R) thường là người quyết đoán, thích cạnh tranh và yêu thích các hoạt động có sự kết hợp giữa vận động, kỹ năng và sức mạnh. Khi có vấn đề xảy ra, những người có tính cách (R) thường bắt tay vào làm ngay một việc gì đó thay vì tốn thời gian ngồi suy nghĩ vài giờ đồng hồ. Họ muốn được tiếp thu kiến thức thực tế hơn là lý thuyết suông, vì vậy họ phù hợp với những nghề nghiệp liên quan đến khoa học hoặc máy móc hơn là những nghề nghiệp liên quan đến văn hóa - thẩm mỹ;
  2. Điều tra (Investigative): Những người này có thói quen quan sát vô cùng tỉ mỉ, do đó họ phù hợp với những ngành nghề liên quan đến phân tích và đánh giá dữ liệu. Họ cũng thích được hoạt động cá nhân hơn là làm việc nhóm;
  3. Nghệ thuật (Artistic): Đặc điểm của những người thuộc nhóm (A) là sáng tạo, cởi mở, nhạy cảm và giàu cảm xúc. Do đó họ yêu thích những công việc liên quan đến cảm xúc và sáng tạo, chẳng hạn như diễn viên, họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ,....thay vì công việc liên quan đến cấu trúc và quy tắc;
  4. Xã hội (Social): Những người thuộc nhóm (S) thích hợp với công việc giảng dạy hoặc những công việc nhằm mục đích phát triển cộng đồng;
  5. Dám nghĩ dám làm (Enterprising): Những người thuộc nhóm tính cách này đều có tham vọng rất lớn. Họ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để đạt được tham vọng của mình. Nếu bạn có nhân viên thuộc nhóm (E) thì cần hết sức cẩn trọng: nếu họ trung thành với công ty thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích to lớn, tuy nhiên nếu họ đã có ý định phản bội thì thiệt hại mà họ gây ra là không thể kiểm soát được;
  6. Thông thường (Conventional): Những người này thích làm việc trong môi trường có cấu trúc và quy định đầy đủ. Họ cũng rất coi trọng quyền lực, danh tiếng và địa vị giống như những người thuộc nhóm (E).

Bài test này được tạo ra bởi Tiến sĩ John L. Holland, một nhà học thuật và tâm lý học người Mỹ. Các kết quả đều đã được chứng minh là đáng tin cậy và chính xác trong việc liên kết mọi người với công việc phù hợp theo sở thích của họ. Do đó, bạn hoàn toàn có thể an tâm sử dụng kết quả bài test để định hướng cuộc sống nghề nghiệp của mình. 

3. DISC

Nếu bạn quan tâm đến việc tìm ra phong cách lãnh đạo của mình hoặc muốn đánh giá tiềm năng lãnh đạo của nhân viên thì trắc nghiệm nghề nghiệp DiSC có thể hữu ích cho bạn.

DISC là một công cụ đánh giá hành vi có thể giúp mọi người hiểu được điểm mạnh cũng như điểm yếu trong phong cách quản lý của mình, từ đó từng bước cải thiện thành một người lãnh đạo tốt hơn. Khi bạn có thể nhìn thấy xu hướng, sở thích và cả những điểm mù của mình, bạn sẽ có được sự tự nhận thức cần thiết để hướng dẫn team của bạn đi đến thành công ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.

Nhà tâm lý học William Moulton Marston lần đầu tiên phác thảo mô hình hành vi DISC trong cuốn sách “Emotions of Normal People” (tạm dịch: Cảm xúc của người bình thường) của ông vào năm 1928. Lúc này, Marston chia hành vi cảm xúc thành 4 loại: Dominance (Thống trị), Inducement (Lôi kéo), Submission (Phục tùng) và Compliance (Tuân thủ).

Trong vài thập kỷ sau đó, các nhà tâm lý học hiện đại đã sử dụng lý thuyết của Marston để hình thành nên bài test DiSC mà chúng ta biết đến ngày nay. Phong cách lãnh đạo ngày nay đã thay đổi một chút so với hiện thân ban đầu: DISC giờ đây là viết tắt của Dominance (Thống trị), Influence (Ảnh hưởng), Steadiness (Ổn định) và Conscientiousness (Tận tâm).

Trong đó:

  1. Những người thuộc nhóm phong cách Thống trị (D) là người thẳng thắn, bộc trực, tự tin, có ý chí mạnh mẽ, có định hướng và luôn đi thẳng vào vấn đề;
  2. Những người thuộc nhóm phong cách Ảnh hưởng (i) là người nhiệt tình, lạc quan, giỏi thuyết phục, ấm áp và đáng tin cậy;
  3. Người có phong cách Ổn định (S) thường điềm tĩnh, kiên nhẫn và có xu hướng trốn tránh sự thay đổi;
  4. Những người thuộc nhóm Tận tâm (C) luôn làm việc hết mình trong hoàn cảnh hiện tại để đảm bảo cả chất lượng và độ chính xác. Người này coi trọng chuyên môn, năng lực và suy luận khách quan.

» Xem chi tiết trong bài: DISC

4. Big Five

Mô hình 5 yếu tố của tính cách, hay còn được gọi là "Big Five" là mô hình tính cách được sử dụng phổ biến nhất trong tâm lý học học thuật.

5 yếu tố này bao gồm:

  1. Tính ổn định cảm xúc (sức mạnh cảm xúc và khả năng chịu đựng căng thẳng);
  2. Hướng ngoại (thích tương tác với người khác hơn là dành thời gian một mình);
  3. Cởi mở (tìm kiếm trải nghiệm mới, dễ tiếp thu với những quan điểm và con người khác nhau);
  4. Dễ mến (dễ gần và dễ hợp tác);
  5. Tận tâm (làm việc có tổ chức, đáng tin cậy và tuân thủ quy tắc). 

Về cơ bản thì tất cả mọi người đều sở hữu cả 5 đặc điểm này ở một mức độ nào đó.

Một phân tích thống kê dựa trên hơn 30.000 người cho thấy rằng dân số nói chung rơi vào giữa mỗi đặc điểm tính cách của Big Five. Điểm trung bình (trên thang điểm từ 0 đến 100) là 55 cho sự Ổn định cảm xúc, 56 cho sự Hướng ngoại, 73 cho sự Cởi mở, 64 cho Sự dễ mến và 64 cho Sự tận tâm. Sự khác biệt về giới cho thấy rằng trong khi nam giới ổn định hơn về mặt cảm xúc và cởi mở hơn một chút, thì phụ nữ lại hướng ngoại, dễ mến và tận tâm hơn một chút. 

Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng công cụ này cho mục đích nghiên cứu hoặc giải trí. Kết quả của bài trắc nghiệm nghề nghiệp Big Five không phải là lời khuyên tâm lý dưới bất kỳ hình thức nào và không đảm bảo tính chính xác cho một mục đích cụ thể. 

» Có thể bạn quan tâm: SHL test là gì?

5. Sinh trắc học vân tay

Bài kiểm tra sinh trắc học mới đã được sử dụng tại một ngày hội việc làm ở Krasnodar, một thành phố ở tây nam nước Nga. Mọi người đặt ngón tay của họ lên đầu đọc dấu vân tay và công nghệ máy tính được liên kết với cảm biến sẽ đọc lại loại công việc nào phù hợp nhất với mỗi cá nhân.

Thiết bị này được tạo ra bởi Đại học Thể dục và Thể thao Kuban. Về nguyên lý làm việc, thiết bị cho ra kết quả dựa trên cơ sở dữ liệu về các hình dạng vân tay tương quan với việc lựa chọn công việc.

Trong khi khoa học vẫn còn đang tranh cãi, nhóm nghiên cứu này tuyên bố rằng trong tương lai, dấu vân tay có thể giúp tiết lộ những đặc điểm tính cách chính. Oscar Galkin 21 tuổi, tốt nghiệp ngành toán học, cho biết: “Tôi nhận được phản hồi rằng tôi thích hợp với một công việc trong ngành CNTT - đó chính xác là điều tôi muốn làm.”

Mặc dù kết quả chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng nghiên cứu trên của Đại học Thể dục và Thể thao Kuban đã phần nào chứng minh rằng sinh trắc vân tay có thể giúp con người tự tin theo đuổi đam mê. Còn việc đạt được thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng cũng như sự nỗ lực của mỗi người.

» Tham khảo: Bài test IQ

Trên đây là 5 bài test trắc nghiệm nghề nghiệp có thể giúp bạn xác định loại công việc nào là phù hợp nhất với tính cách, kỹ năng và giá trị con người của bạn. Nếu như bạn mới chập chững bước vào nghề hoặc đang có ý định thay đổi nghề nghiệp nhưng bối rối không biết phải đi đâu tiếp theo thì chúng tôi hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ tìm ra được một con đường sự nghiệp đúng đắn để theo đuổi nhé. 

Xem những vị trí KFC đang tuyển dụng » TẠI ĐÂY
 

Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả