Loading: %
Close
Menu

WFH là gì? Cách Work From Home hiệu quả!

Mục lục bài viết

Để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trong thời kỳ giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới buộc phải áp dụng một hình thức làm việc mới có tên là WFH. Nhưng đến khi các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại thì WFH vẫn là hình thức làm việc phổ biến, thậm chí nó còn được các chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ trở thành xu hướng làm việc trong tương lai. Vậy WFH là gì? Tại sao WFH lại được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tới vậy? 

» Có thể bạn quan tâm: OKRs là gì?

1. WFH là gì?

WFH là thuật ngữ viết tắt của Work-From-Home (tạm dịch: làm việc tại nhà), mô tả công việc được thực hiện từ xa mà không cần đến trực tiếp văn phòng hoặc cửa hàng. WFH còn được gọi với cái tên khác là telecommuting hoặc làm việc từ xa. 

Nhân viên tương tác với cấp trên, với khách hàng, với các thành viên trong team hoặc với phòng ban khác thông qua một số ứng dụng kết nối như Zalo, Skype, Telegram, Microsoft Team, Zoom, Google Meeting,...

Theo một cuộc khảo sát của Gartner, sau khi COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu, 88% các tổ chức trên thế giới đã khuyến khích nhân viên của họ làm việc tại nhà hoặc bắt buộc phải làm như vậy. Trừ một số công việc đặc thù không thể được thực hiện từ xa như điều dưỡng và dọn dẹp thì hầu hết các ngành nghề còn lại đã chuyển sang áp dụng hoàn toàn mô hình WFH. 

2. Lợi ích khi WFH

Đây chính là 4 lý do khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn mô hình làm việc tại nhà cho đội ngũ nhân viên của mình:

2.1. WFH giúp tiết kiệm chi phí

Một trong những lợi ích hàng đầu của việc áp dụng mô hình Work-From-Home, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn như thế này, chính là tiết kiệm chi phí.

Đứng trên góc độ của người sử dụng lao động, thông qua hình thức WFH, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm kha khá chi phí vận hành doanh nghiệp và các chi phí liên quan buộc phải chi trả khi nhân viên làm việc trực tiếp tại văn phòng như tiền khấu hao trang thiết bị, tiền bảo vệ, tiền không gian văn phòng, tiền phụ cấp ăn trưa, tiền phụ cấp xăng xe, tiền điện nước,...

Tại Mỹ, người ta ước tính rằng chi phí không gian văn phòng trung bình cho mỗi nhân viên là khoảng 18.000 USD/năm. Nhân chi phí này với số lượng nhân viên làm việc cho các công ty lớn như Google hoặc Apple, bạn sẽ thấy con số này khổng lồ đến cỡ nào. 

Trong báo cáo của Dell Technologies vào năm 2014, chỉ sau 1 năm áp dụng mô hình WFH hiệu quả với 30% lực lượng lao động làm việc từ xa, công ty này đã tiết kiệm khoảng 42 triệu kWh năng lượng và khoảng 39,5 triệu USD. 

Còn đứng trên góc độ của người lao động, hình thức làm việc tại nhà giúp chúng ta tiết kiệm chi phí di chuyển (tiền gửi xe, tiền xăng, tiền bảo dưỡng,...), chi phí ăn uống, và đặc biệt là chi phí thuê nhà. Kể từ khi áp dụng mô hình WFH đến nay, hàng loạt người lao động ào ào trả phòng trọ tại các thành phố lớn để về quê làm việc. Ngoài ra, đối với các nhân viên nữ thì việc làm việc từ xa còn tiết kiệm được không ít chi phí make-up và chi phí trang phục.

2.2. WFH cải thiện năng suất làm việc và giảm stress

Great Place to Work đã thực hiện một cuộc nghiên cứu kéo dài 2 năm với 800.000 nhân viên để so sánh năng suất làm việc từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2020 (làm việc từ xa) với cùng khoảng thời gian này vào năm 2019 (làm việc trực tiếp). Kết quả cho thấy năng suất làm việc từ xa tại nhà ổn định hoặc cao hơn khi làm việc tại văn phòng.

Nghiên cứu của Prodoscore cho biết năng suất tăng 47% kể từ tháng 3 năm 2020 (so với thời điểm tháng 3 năm 2019), đồng thời nghiên cứu này còn cho biết nhân viên làm việc năng suất nhất vào thứ ba, thứ tư và thứ năm; từ 10:30 sáng đến 3:00 chiều. 

Một cuộc khảo sát từ tháng 3 năm 2020 của Airtasker cho thấy nhân viên làm việc tại nhà dành thêm 1,4 ngày làm việc mỗi tháng.

Đó là những “con số biết nói” cho thấy mô hình Work-From-Home đang tạo ra sự thay đổi tích cực trong việc tăng năng suất làm việc của nhân viên.

Lý giải cho tín hiệu tích cực này, người ta đưa ra một số lý do như: 

  • Nhân viên làm việc từ xa không cần dãi nắng dầm mưa di chuyển quãng đường dài từ nhà đến văn phòng nên tinh thần cũng thoải mái hơn, từ đó hoàn thành công việc cũng nhanh hơn;

  • Nhân viên làm việc từ xa không cần tốn thời gian lựa chọn trang phục hay layout make-up nên cũng dành nhiều thời gian cho công việc hơn; 

  • Nhân viên làm việc từ xa không bị cuốn vào những cuộc tán gẫu với đồng nghiệp và không bị ai làm phiền nên họ có thể tập trung hoàn toàn vào công việc. 

2.3. WFH giúp doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn nhân lực

Điều hành một doanh nghiệp thành công đồng nghĩa với việc phải xây dựng được một đội ngũ nhân viên hùng hậu, tức là nhân viên không chỉ tận tâm với công việc mà còn phải có năng lực tốt. Thật không may, thiếu hụt nhân tài đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều quốc gia và khu vực trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu như các tổ chức chỉ tìm kiếm nhân tài theo vị trí địa lý thì sẽ mất đi lượng ứng viên khổng lồ. 

Ngược lại, các công ty làm việc từ xa có thể tham gia vào các group tìm kiếm nhân tài toàn cầu và chọn được người phù hợp mà không phải lo lắng về khoảng cách địa lý. Hơn nữa, việc thuê nhân viên WFH còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể, bởi vì chi phí thuê nhân công nước ngoài thường thấp hơn chi phí thuê nhân công trong nước, đồng thời tiền thuế phải nộp cũng ít hơn. 

2.4. WFH bảo vệ sự an toàn cho nhân viên

Bằng cách áp dụng mô hình làm việc từ xa, doanh nghiệp có thể giảm thiểu tối đa các tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe cho nhân viên của mình. Chẳng hạn như nạn cướp giật, nạn quấy rối tình dục,...

» Tham khảo: Kỹ năng ghi chép hiệu quả

3. Work From Home như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Ở nhà sẽ có nhiều thứ gây xao nhãng ảnh hưởng tới thời gian làm việc hiệu quả của bạn, chẳng hạn như việc nhà, TV, điện thoại, thú cưng và mạng xã hội,… Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể làm việc hiệu quả khi ở nhà. Cho dù bạn làm việc tại nhà mỗi ngày, một vài lần mỗi tuần hay thậm chí bạn chỉ làm việc tại nhà vì đang bị bệnh, hãy áp dụng những mẹo dưới đây. Chúng có thể giúp bạn tận dụng tối đa thời gian làm việc từ xa của mình:

3.1. Thiết lập không gian cho công việc

Việc thiết lập một không gian làm việc trong nhà của bạn là điều vô cùng cần thiết.

Chúng tôi biết có nhiều bạn có thói quen làm việc trên ghế sofa, ghế tựa hoặc thậm chí làm việc ngay trên giường của mình vì cho rằng làm việc mệt mỏi thì có thể nằm thư giãn ngay tại chỗ. Tuy nhiên làm như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của bạn. Nếu không gian nhà bạn không có phòng riêng hoặc bạn chỉ làm việc tại nhà trong một vài ngày cho đến khi khỏi bệnh thì điều này là tạm chấp nhận được, nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích ngồi làm việc ở một không gian khác để tập trung cao độ. 

Còn nếu bạn xác định làm việc tại nhà trong một thời gian dài, thậm chí đây là công việc full-time của bạn thì tốt nhất nên làm việc trong một căn phòng riêng và chuẩn bị thêm cho mình một chiếc ghế thoải mái, một chiếc bàn làm việc rộng rãi, wifi tốt cùng với các công cụ làm việc phù hợp. Lúc này bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn, tự tin hơn và có tổ chức hơn đấy. Không gian làm việc sẽ phát tín hiệu cho não bộ rằng đây là lúc làm việc chứ không phải thư giãn.

3.2. Thiết lập giờ làm việc

Khi học cách làm việc tại nhà, một trong những điều cơ bản và quan trọng nhất bạn có thể làm là tạo một lịch trình làm việc đều đặn cho bản thân. Bạn cần thiết lập thời điểm bắt đầu, thời điểm tan làm, thời điểm nghỉ giải lao và coi nó như một ngày làm việc thực thụ tại văn phòng. Thiết lập cho mình những giờ làm việc đều đặn là cách giúp bạn có trách nhiệm với bản thân và với sếp của mình. 

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng quy tắc Pomodoro trong giờ làm việc để tăng sự tập trung và cải thiện hiệu suất. Hiện quy tắc này đã được phát triển thành nhiều ứng dụng có sẵn trên Google Play và App Store, bạn có thể cài đặt một trong các ứng dụng này về điện thoại để bắt đầu làm việc. 

Với quy tắc Pomodoro, bạn được phép tự cài đặt thời gian cho một phiên làm việc chính (thường là 25 phút), có kèm theo thời gian nghỉ (thường là 5 phút). Bạn sẽ làm việc thật nghiêm túc trong 25 phút đó, và sau khi kết thúc một phiên làm việc thì ứng dụng sẽ thông báo cho bạn đã đến thời gian giải lao.

» Tham khảo chi tiết trong bài: Kỹ năng quản lý thời gian

3.3. Thiết lập công việc theo thứ tự ưu tiên

Một bước chắc chắn không thể bỏ qua nếu muốn duy trì năng suất là lập kế hoạch công việc cần làm một cách thông minh. Trước khi bắt đầu làm việc, hãy chắc chắn rằng bạn biết ưu tiên lớn nhất trong ngày hôm nay của mình là gì, bạn phải mất bao lâu thì mới hoàn thành hết mọi việc và bạn sẽ làm những gì nếu có thêm thời gian trống.

Nếu như bạn không có thói quen dậy sớm để lập lịch trình trong ngày, chúng tôi khuyên bạn nên dành một vài phút trước khi đi ngủ để thiết lập lịch trình làm việc cho ngày hôm sau. Bạn sẽ thấy rằng mình ngủ ngon hơn khi không phải lo lắng về việc lập kế hoạch trong đầu.

Trong kế hoạch của bạn, hãy xem xét những điều sau:

  • Thực hiện nhiệm vụ ưu tiên cao nhất trước;

  • Lập kế hoạch trong ngày theo chu kỳ mức năng lượng của riêng bạn: Hãy hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết trong thời gian mức năng lượng của bạn còn nhiều và thực hiện các nhiệm vụ ít quan trọng hơn khi mức năng lượng của bạn bị sụt giảm. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy tỉnh táo nhất vào buổi sáng, hãy sử dụng thời gian đó để động não và giải quyết các công việc quan trọng;

  • Lên kế hoạch thưởng cho bản thân nếu đạt được thành tựu gì đó.

Làm như vậy, bạn sẽ luôn duy trì sự tập trung cao nhất cho những công việc quan trọng mà vẫn còn thời gian dành cho bản thân.

» Tham khảo: Cách lập kế hoạch công việc 

3.4. Sử dụng các phần mềm quản lý dự án

Trong một tập thể không phải ai cũng có ý thức làm việc tốt, có người hoàn thành đúng deadline thì cũng có người chuyên hoãn deadline vì một số lý do nào đó. Và để khắc phục tình trạng này trong thời gian WFH, hầu như doanh nghiệp nào cũng đều tìm đến các phần mềm quản lý dự án như Trello, Monday.com, Asana,...Trên những phần mềm này, người dùng được phép tự tạo danh sách các công việc cần hoàn thành và kèm theo hạn chót. Khi gần đến hạn, phần mềm sẽ tự động gửi thông báo nhắc nhở bạn nhanh chóng hoàn thành nốt công việc được giao.

Dù bạn đã từng hay chưa từng áp dụng mô hình làm việc từ xa WFH thì cũng không thể phủ nhận rằng mô hình này mang lại rất nhiều lợi ích cho cả nhân viên và chủ doanh nghiệp, đúng không nào? Rất có thể trong tương lai, WFH sẽ ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi và trở thành xu hướng làm việc tất yếu đối với hầu hết ngành nghề. Nếu bạn đang làm việc theo mô hình này, hãy thử áp dụng 4 lời khuyên hữu ích mà chúng tôi vừa chia sẻ để có thể tận dụng tối đa ngày làm việc của mình nhé.

 Cập nhật tin tuyển dụng mới nhất của KFC » TẠI ĐÂY

 

Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả