Mục lục bài viết
Marketing Mix được xem là một trong những khái niệm trọng yếu nhất của kinh doanh thương mại hiện đại. Mặc dù có nhiều loại và nhiều dạng Marketing Mix khác nhau, nhưng hai loại mô hình Marketing Mix được sử dụng phổ biến nhất chính là 4P và 7P. Vậy 4P là gì? 7P là gì? Và hai mô hình này khác nhau như thế nào?
» Đừng quên tham khảo: Digital Marketing là gì?
Trước khi tìm hiểu khái niệm 4P và 7P trong Marketing, chúng ta cần làm rõ khái niệm Marketing Mix là gì?
Theo đó, Marketing Mix là tập hợp các công cụ và chiến thuật mà một doanh nghiệp sử dụng nhằm tác động đến sức mua của thị trường. Lý thuyết về Marketing Mix lần đầu tiên được đưa ra bởi E. Jerome McCarthy vào những năm 1960, tạo thành mô hình nền tảng cho mọi doanh nghiệp ngày nay.
Trước đó, khuôn khổ tiếp thị bị giới hạn bởi các đặc điểm của hệ thống tiếp thị và chức năng của chúng. Chính McCarthy là người thay đổi định kiến này. Thông qua lý thuyết Marketing Mix của mình, McCarthy đã cung cấp một khuôn khổ tiếp thị mới, đó là ra quyết định tiếp thị dựa trên 4 yếu tố chính, bao gồm: sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến.
Tuy nhiên, vào cuối những năm 70, các nhà tiếp thị đã thừa nhận rằng mô hình Marketing Mix cần được cập nhật. Điều này dẫn đến việc Booms & Bitner tạo ra “Marketing Mix mở rộng” vào năm 1981, bổ sung thêm 3 yếu tố mới vào Nguyên tắc 4Ps. Nhờ đó mà Marketing Mix áp dụng được cho cả các sản phẩm là dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa vật chất nữa. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ ra một vài điểm khác biệt giữa mô hình 7P với mô hình 4P trước đây.
Nhờ Marketing Mix mà doanh nghiệp có khả năng thích nghi trước những biến động của thị trường, đồng thời biết cách hoạch định đường lối đúng đắn trong việc đáp ứng nhu cầu cũng như khả năng của người tiêu dùng thông qua phễu marketing. Đúng là không quá khi nói rằng Marketing Mix chính là cơ sở đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó Marketing Mix còn là cầu nối giữa thị trường và doanh nghiệp. Nó vừa thu thập thông tin trong thị trường về cho doanh nghiệp, vừa phát tán thông tin từ phía doanh nghiệp ra ngoài thị trường.
Không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà Marketing Mix còn đem lại không ít lợi ích cho người tiêu dùng.
Thông qua Marketing Mix, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được những nhu cầu cũng như mong muốn của người tiêu dùng. Từ đó doanh nghiệp sẽ không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm/dịch vụ mới, hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ sẵn có nhằm thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn đó của người tiêu dùng.
Không phải doanh nghiệp nào cũng theo đuổi chiến lược marketing dựa vào sản phẩm, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã theo đuổi thành công chiến lược marketing thông qua đạo đức xã hội và mang lại tiếng vang lớn cho sản phẩm cũng như thương hiệu. Tức là thay vì tập trung giới thiệu sản phẩm của mình tốt ra sao, có những tính năng nào đặc biệt thì doanh nghiệp lại hướng đến những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như chương trình “Thu gom vỏ hộp, lan tỏa sống xanh” của TH True Milk; chương trình “Đèn đom đóm” của Dutch Lady; chương trình “Sữa học đường” của Vinamilk; chương trình "Năng động Việt Nam" của Nestlé MILO,...
Như đã đề cập ở trên, mô hình 4P bao gồm:
- Product / Sản phẩm;
- Price / Giá cả;
- Promotion / Xúc tiến.
- Place / Phân phối;
Sản phẩm không giới hạn ở một sản phẩm hữu hình. Nó cũng có thể là một món quà vô hình hoặc một dịch vụ như dịch vụ mát-xa, dịch vụ thiết kế trang web,....
Khách hàng không trả tiền cho bản thân sản phẩm mà trả tiền vì lợi ích mà nó mang lại. Ví dụ, khách hàng trả tiền cho đôi giày vì họ tìm kiếm sự thoải mái và phong cách. Họ trả tiền cho một cây kem vì nó ngon và giúp giải tỏa cơn khát trong một ngày hè nóng nực. Họ thanh toán hóa đơn internet vì nó cho phép họ truy cập web trên toàn thế giới với tốc độ duyệt web ổn định.
Do đó, một sản phẩm cũng có thể được định nghĩa là một tập hợp các lợi ích được cung cấp cho khách hàng ở một mức giá nhất định.
Giá là số tiền thực tế mà khách hàng phải chi trả cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến giá cả của hàng hóa, chẳng hạn như:
- Sự gia tăng chi phí đầu vào;
- Khả năng thanh toán của khách hàng;
- Giá do đối thủ cạnh tranh niêm yết;
- Các chính sách và hạn chế của chính phủ,...
Giá cả có ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ chiến lược Marketing Mix và quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, nó cũng ảnh hưởng tới định vị thương hiệu, cầu thị trường, cảm nhận của người mua và cuối cùng là lợi nhuận của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thường sử dụng một trong ba chiến lược định giá sau để định giá sản phẩm/dịch vụ của họ:
- Định giá dựa trên chi phí sản xuất;
- Định giá dựa trên giá trị: Đặt giá dựa trên nhận thức của người mua về giá trị hơn là chi phí thực tế;
- Định giá cạnh tranh: Đặt giá theo mức giá của các đối thủ cạnh tranh.
Nó bao gồm các kênh phân phối mà doanh nghiệp sử dụng để đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Có 2 loại kênh phân phối chính là phân phối trực tiếp và gián tiếp:
- Phân phối trực tiếp: Doanh nghiệp bán trực tiếp sản phẩm cho khách hàng mà không liên quan đến bất kỳ trung gian nào.
- Phân phối gián tiếp: Doanh nghiệp kết hợp với các cá nhân hoặc tổ chức như nhà sản xuất, đại lý, nhà bán buôn, nhà bán lẻ để tạo thành một mạng lưới phân phối.
Doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn một trong 4 chiến lược phân phối phổ biến, đó là:
- Phân phối chuyên sâu: Doanh nghiệp cố gắng phân phối sản phẩm của mình cho tất cả các trung gian phân phối. Chiến lược này giúp doanh nghiệp bao phủ nhiều thị trường nhất có thể. Ví dụ, sản phẩm sữa, nước ngọt,...
- Phân phối có chọn lọc: Doanh nghiệp sử dụng một số cửa hàng nhất định trong một khu vực địa lý cụ thể để bán các sản phẩm của mình. Ví dụ, Zara, Adidas,...
- Phân phối độc quyền: Doanh nghiệp chỉ có duy nhất một nhà phân phối trong một khu vực địa lý cụ thể. Ví dụ, Lamborghini.
- Hệ thống nhượng quyền: Các doanh nghiệp nhỏ mua quyền sở hữu từ các doanh nghiệp lớn để phân phối sản phẩm dịch vụ. Ví dụ, McDonald's, Trung Nguyên, The Alley,...
Xúc tiến bao gồm tất cả các nỗ lực truyền thông tiếp thị mà một doanh nghiệp thực hiện để quảng bá sản phẩm của mình cho đối tượng mục tiêu.
Mỗi doanh nghiệp có thể lựa chọn một vài hoặc cả 5 công cụ xúc tiến sau:
- Quảng cáo: Kêu gọi sự chú ý của công chúng tới sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các thông báo có trả tiền trên các kênh ngoại tuyến và trực tuyến.
- Quan hệ công chúng: Sử dụng các phương tiện báo chí để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt công chúng.
- Bán hàng cá nhân: Sử dụng sự tương tác giữa người với người để tác động đến quyết định mua hàng của khách hàng.
- Khuyến mại: Sử dụng các ưu đãi ngắn hạn để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
- Marketing trực tiếp: Telemarketing, email marketing,...
Mục tiêu chính của quá trình xúc tiến bán là cung cấp thông tin về việc chào bán cho khách hàng tiềm năng để khơi dậy sự quan tâm của họ đối với sản phẩm, từ đó thuyết phục họ mua sản phẩm này.
Ngoài 4 yếu tố đã được đề cập ở trên thuộc 4P, ba yếu tố khác đã được thêm vào trong tổ hợp tiếp thị mở rộng tạo nên khái niệm 7P trong Marekting, đó là:
- People / Con người: Nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ cho đối tượng mục tiêu.
- Process / Quy trình: Chuỗi các hành động liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
- Physical Evidence / Bằng chứng vật chất: Các yếu tố hữu hình xung quanh sản phẩm và môi trường vật chất nơi sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp cho khách hàng.
Cụ thể:
Nguồn nhân lực của doanh nghiệp tạo thành một phần quan trọng của hỗn hợp tiếp thị mở rộng vì họ chính là chìa khóa để cung cấp sản phẩm đến thị trường mục tiêu.
People (Con người) bao gồm tất cả những nhân viên tham gia vào quá trình tiếp thị và bán hàng, đó có thể là:
- Nhân sự chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ;
- Nhân sự đại diện cho công ty và truyền tải thông điệp thương hiệu đến khách hàng;
- Nhân sự có khả năng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng mục tiêu.
Process (Quy trình) là một loạt các hành động liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng mục tiêu. Nó bao gồm tất cả các thủ tục, cơ chế và hoạt động ảnh hưởng đến cách mà doanh nghiệp xử lý sản phẩm và chuyển đến tay người tiêu dùng.
Thời điểm bắt đầu quy trình là lúc khách hàng biết tới doanh nghiệp và dịch vụ của doanh nghiệp, tới tận lúc mua hàng và sau mua hàng.
Quy trình cũng có thể là thứ tự các hoạt động giữa nhân viên và khách hàng, dẫn đến việc chuyển giao quyền sở hữu từ doanh nghiệp sang khách hàng.
Physical Evidence (Bằng chứng vật lý) bao gồm tất cả các yếu tố hữu hình xung quanh sản phẩm và môi trường vật chất nơi sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp cho khách hàng mục tiêu.
Các yếu tố này bao gồm:
- Các điểm tiếp xúc nơi khách hàng tương tác với doanh nghiệp;
- Các yếu tố thương hiệu hữu hình như bao bì, hóa đơn, túi xách,...
- Trang web và các gian hàng thương mại điện tử;
- Mọi yếu tố phi con người khác mà khách hàng nhìn thấy, nghe thấy và thậm chí ngửi thấy liên quan đến sản phẩm.
Mọi công ty ngày nay đều sử dụng Marketing Mix trong các kế hoạch tiếp thị của mình. Dưới đây là ví dụ nổi tiếng về mô hình Marketing Mix 4P của Nestle - công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới với hơn 2000 thương hiệu.
Đầu tiên là về sản phẩm. Nestle tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm ăn liền của khách hàng. Ngoài ra, công ty tập trung vào các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn và mặt hàng tiêu dùng. Danh mục sản phẩm của Nestle gồm có:
- Các sản phẩm từ sữa: Nestle Milk, Nestle Slim và Nestle Everyday.
- Socola: KitKat, Munch, Polo, Milky bar, Crunch,...
- Cà phê: Nescafe, Nescafe Dolce Gusto, Nespresso,...
- Thực phẩm ăn liền: Nestle Maggi, Buitoni, Jacks, Herta,...
Về giá cả, Nestle thường chỉ tuân theo hai chiến lược định giá cho các sản phẩm của mình:
- Định giá cạnh tranh: Công ty định giá sản phẩm của mình theo giá sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Thường áp dụng với dòng sản phẩm sôcôla và thực phẩm ăn liền;
- Định giá Skimming: Công ty đặt giá cao hơn đối thủ cạnh tranh cho các sản phẩm mà Nestle thực sự nổi bật. Thường áp dụng với các sản phẩm như Nestle A + Slim, Nestle A + Toned,...
Về phân phối, Nestle tận dụng việc phân phối hàng loạt và sử dụng kênh phân phối 4-5 cấp bao gồm các nhà sản xuất, đại lý (1-2 cấp), nhà bán buôn và nhà bán lẻ để cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng.
Công ty thậm chí còn sử dụng các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng TMĐT và chợ trực tuyến để bán các sản phẩm của mình.
Cuối cùng là về chương trình xúc tiến thương mại. Nestle sử dụng kết hợp ATL, BTL và các kênh Digital Marketing để quảng bá dịch vụ của mình cho khách hàng, bao gồm:
- Quảng cáo: Quảng cáo trên TV, quảng cáo trên đài phát thanh, quảng cáo trên báo in và quảng cáo digital.
- Khuyến mãi: Áp dụng chương trình hàng tặng kèm và hàng tặng dùng thử để tăng doanh số bán hàng qua POS.
- Quan hệ công chúng: Nestle duy trì hình ảnh tốt của mình thông qua các bài báo, sự kiện,...
- Mô hình 4P được áp dụng đối với sản phẩm là hàng hóa thông thường (hay còn gọi là sản phẩm vật lý), còn mô hình 7P được áp dụng khi sản phẩm là dịch vụ.
- Mô hình 7P là sự kế thừa và cải tiến từ mô hình 4P.
- Mô hình 4P gần như không chú trọng đến vai trò của dịch vụ khách hàng (customer service) trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Còn mô hình 7P cung cấp nền tảng phát triển toàn diện từ sản phẩm cho đến dịch vụ sau bán.
Đọc đến đây, bạn đã hiểu được Marketing Mix là gì, cũng như sự khác biệt giữa mô hình 4P và mô hình 7P rồi chứ? Mong rằng bạn có thể áp dụng những kiến thức về Marketing vào trong kế hoạch kinh doanh một cách hiệu quả.
» Tìm hiểu về: Social media