Loading: %
Close
Menu

Phỏng vấn Online: Những điều cần lưu ý và chuẩn bị!

Mục lục bài viết

Trong những năm gần đây, việc nhà tuyển dụng sử dụng công nghệ để thực hiện các cuộc phỏng vấn sơ bộ đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Phỏng vấn online không những làm giảm chi phí đi lại, đẩy nhanh quá trình phỏng vấn mà còn cho phép người quản lý tuyển dụng làm quen với đội ngũ ứng viên tài năng trên khắp thế giới.

Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng thảo luận xem phỏng vấn online là gì và làm thế nào để vượt qua nó.

» Tham khảo: 7+ kinh nghiệm phỏng vấn giúp gia tăng khả năng trúng tuyển!

Phỏng vấn Online là gì?

Phỏng vấn online là một cuộc phỏng vấn được thực hiện thông qua phần mềm giao tiếp trực tuyến thay vì diễn ra trực tiếp.

Nhà tuyển dụng có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn online bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:

  1.  Video call: Đây là hình thức phỏng vấn online điển hình nhất. Khi thiết lập một cuộc video call, người phỏng vấn thường sẽ liên hệ trước với bạn và hỏi xem bạn có quyền sử dụng các thiết bị cần thiết hay không. Hầu như các dòng máy tính xách tay lẫn máy tính bảng hiện nay đều đã được tích hợp công nghệ webcam đầy đủ, vì vậy bạn có thể dễ dàng tìm được một chiếc máy tính đáp ứng yêu cầu. Nếu không có máy tính xách tay, bạn đành phải sử dụng tới điện thoại thông minh để tham gia phỏng vấn. Thay vì để bạn đến văn phòng, nhà tuyển dụng sẽ phỏng vấn từ xa thông qua các phần mềm hội nghị phổ biến như Skype, Zoom, Google Meet hoặc Google Hangouts;
  2. Video được ghi hình trước (Pre Recorded Video): Một phương pháp khác để phỏng vấn online là bạn quay video tự trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Để chuẩn bị cho kiểu phỏng vấn này, người phỏng vấn sẽ gửi cho bạn một danh sách các câu hỏi và thời hạn nộp hồ sơ. Bạn sẽ cần tự lắp đặt máy ảnh và quay phim trong khi trả lời từng câu hỏi trong danh sách. Sau khi hoàn thành, thường thì bạn sẽ tải video lên Google Drive và gửi lại cho người phỏng vấn. Kiểu phỏng vấn này cho phép bạn chuẩn bị trước các câu trả lời của mình một cách cẩn thận, nhưng cũng có thể khá khó xử nếu bạn không quen nói chuyện trước ống kính;
  3. Chatbot: Các công nghệ tuyển dụng AI, chẳng hạn như Alorica, có thể tự động hóa quy trình sàng lọc ứng viên và cho phép ứng viên cung cấp câu trả lời dưới dạng video hoặc âm thanh. Tuy nhiên hình thức này vẫn chưa thực sự phổ biến, nhất là tại Việt Nam.

 

Cần chuẩn bị những gì khi phỏng vấn Online?

Chìa khóa để có một cuộc phỏng vấn online thành công là dành thời gian để chuẩn bị và luyện tập. Vì vậy, hãy xem xét các yếu tố sau để chuẩn bị hiệu quả cho cuộc phỏng vấn online sắp tới của bạn nhé:

1. Kiểm tra công nghệ

Các cuộc phỏng vấn trực tuyến thường được thực hiện thông qua webcam và hội nghị truyền hình, có nghĩa là bạn sẽ cần một kết nối internet ổn định để đảm bảo rằng bạn không bị ngắt kết nối trong cuộc phỏng vấn. 

Tiếp theo, trong quá trình chuẩn bị, bạn cần làm quen dần với cách thức hoạt động của nền tảng mà bạn sẽ sử dụng trong cuộc phỏng vấn xem nút chia sẻ màn hình nằm ở đâu, cách thay đổi background thực hiện như thế nào,...

Trước cuộc hẹn phỏng vấn chính thức, hãy lên lịch video call với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình để đảm bảo rằng bạn có thể nhìn thấy rõ và nghe được trong suốt cuộc phỏng vấn. 

2. Sử dụng tên người dùng chuyên nghiệp

Hãy kiểm tra và đảm bảo rằng bạn đang sử dụng tên người dùng chuyên nghiệp (tên thật) để người phỏng vấn dễ dàng giao tiếp.

3. Trang phục chuyên nghiệp

Ngay cả khi không đối mặt trực tiếp với người phỏng vấn thì bạn cũng không được phép bỏ qua vẻ bề ngoài của mình. Đừng quên, ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng và vẻ ngoài của bạn thực sự có thể tạo nên hoặc phá vỡ ấn tượng này với người phỏng vấn.

Tốt nhất bạn nên mặc áo sơ mi có cổ, kết hợp với chân váy dài (đối với nữ giới) hoặc quần tây tối màu (đối với nam giới). Hãy mặc các màu cơ bản thay vì mặc áo kẻ sọc hoặc áo có in các họa tiết phức tạp. Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ phải mặc vest để thể hiện sự chuyên nghiệp. 

3. Loại bỏ phiền nhiễu

Chắc hẳn bạn sẽ không muốn người phỏng vấn bị phân tâm bởi tiếng ồn thị giác trong phòng hoặc bị đánh giá là người vô tổ chức đâu, đúng không nào?

Vì vậy, hãy tìm một căn phòng yên tĩnh, ít tiếng ồn xung quanh và không gây phiền nhiễu bằng cách:

- Đóng cửa phòng và cửa sổ;

- Tắt TV trong phòng bên cạnh;

- Tắt chuông điện thoại (trừ khi bạn đang sử dụng nó cho cuộc phỏng vấn);

- Thông báo trước với bạn cùng phòng hoặc các thành viên trong gia đình biết khi nào bạn sẽ phỏng vấn để họ giữ im lặng và xử lý bất cứ điều gì xảy ra, chẳng hạn như chuông cửa bất ngờ;

- Dọn dẹp mọi thứ lộn xộn sau lưng bạn để chúng không hiển thị trên màn hình. 

Để vượt qua vòng phỏng vấn online, hãy đảm bảo rằng chỉ có một cửa sổ duy nhất mở trên màn hình máy tính của bạn, đó chính là nền tảng video mà bạn đang sử dụng. Tắt tất cả các tab không cần thiết nếu bạn không muốn bị phân tâm trong suốt cuộc phỏng vấn trực tuyến.

4. Chuẩn bị tài liệu

Chuẩn bị sẵn một cuốn sổ và một cây bút ngay trong tầm với của bạn để bạn không phải loay hoay tìm kiếm chúng khi cần thiết. 

Chuẩn bị sẵn bản sao sơ yếu lý lịch của bạn trong trường hợp bạn phải đề cập đến ngày tháng, chức danh công việc hoặc thành tựu trong quá khứ.

Tất cả các công cụ này đều rất hữu ích, nhưng hãy đảm bảo rằng chúng không chuyển hướng sự chú ý của bạn quá nhiều trong cuộc phỏng vấn.

5. Chuẩn bị câu hỏi của riêng bạn

Ngoài việc chuẩn bị câu trả lời cho một số câu hỏi phỏng vấn thông thường, bạn cũng nên chuẩn bị một số câu hỏi của riêng mình để hỏi người phỏng vấn. 

Hãy hỏi họ về các yêu cầu công việc, mức lương hoặc hỏi xem họ nghĩ gì về công ty. Bất kỳ câu hỏi nào cho phép người phỏng vấn chia sẻ thêm thông tin về những gì họ mong đợi ở ứng viên lý tưởng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong những vòng phỏng vấn tiếp theo.

6. Thực hành 

Để chuẩn bị thật tốt cho cuộc phỏng vấn, bạn cần thực hành nhuần nhuyễn kỹ thuật phỏng vấn với một người bạn thông qua phần mềm video call mà bạn sẽ sử dụng. 

Những cuộc phỏng vấn tập dượt như vậy có thể giúp bạn xác định những vấn đề mà bạn có thể gặp phải trong lúc phỏng vấn chính thức, chẳng hạn như vấn đề liên quan đến biểu cảm, tốc độ nói,... 

Trong quá trình truyền âm thanh từ miệng của bạn đến micro thường có thêm tạp âm nên âm lượng của bạn thường sẽ nhỏ hơn khi nói chuyện trực tiếp. Do đó, khi phỏng vấn online, bạn cần nói chậm hơn, to hơn và nhấn mạnh hơn một chút. Bạn càng thực hành nhiều, bạn sẽ càng tự tin hơn khi “lên sàn”.

» Đừng quên tham khảo: Những câu hỏi tình huống khi phỏng vấn

Những điều cần lưu ý khi phỏng vấn Online

Dưới đây là một số mẹo nhỏ mà bạn cần lưu ý để vượt qua vòng phỏng vấn một cách thuận lợi:

1. Giao tiếp bằng mắt

Trong một cuộc phỏng vấn online, giao tiếp bằng mắt thực sự rất quan trọng, mặc dù đó không phải là giao tiếp bằng mắt thực sự. Việc duy trì giao tiếp bằng mắt sẽ cho người phỏng vấn thấy rằng bạn đang chăm chú lắng nghe.

Thay vì nhìn vào người trên màn hình, hãy nhìn thẳng vào webcam và tiếp tục nói chuyện. Có thể bạn sẽ không quen nhìn vào máy ảnh khi nhìn thấy hình ảnh ai đó xuất hiện trên màn hình. Tuy nhiên, nhìn vào màn hình sẽ khiến bạn giống như đang nhìn chằm chằm xuống dưới, bởi màn hình thường nằm bên dưới camera.

Nếu bạn chưa quen với việc giao tiếp bằng mắt qua camera, hãy đưa ảnh của người mà bạn biết lên webcam. Bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy như thể đang trò chuyện với một người bạn, chứ không phải người phỏng vấn.

2. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Quan sát ngôn ngữ cơ thể qua video sẽ khó hơn so với quan sát trực tiếp, vì vậy hãy đặc biệt lưu ý với các tín hiệu phi ngôn ngữ của bạn. Đảm bảo rằng bạn đang ngồi thẳng lưng, ngửa vai và ngẩng cao đầu như khi đang phỏng vấn trực tiếp. Nhớ mỉm cười và gật đầu khi người phỏng vấn đang nói. Những hành động này sẽ giúp bạn trở thành người tự tin, chuyên nghiệp trong mắt người phỏng vấn.

3. Thư giãn

Kẻ thù tồi tệ nhất khiến cuộc phỏng vấn của bạn gặp thất bại có thể là sự căng thẳng của chính bạn. Vì vậy hãy hít thở sâu trước khi phỏng vấn và cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt cuộc phỏng vấn. Nếu bạn có thể giao tiếp tự tin với người phỏng vấn, bạn sẽ để lại ấn tượng tích cực lâu dài hơn là việc tỏ ra lo lắng. Hãy nhớ rằng, một trong những giải pháp tốt nhất để giải tỏa sự lo lắng là luyện tập thật kỹ các câu trả lời của bạn.

4. Đăng nhập vào phòng họp sớm hơn thời gian dự kiến

Trong một cuộc phỏng vấn thông thường, bạn thường được khuyên đến sớm 10-15 phút để chuẩn bị tinh thần. Phỏng vấn online cũng vậy! Bạn nên đăng nhập sớm hơn thời gian dự kiến khoảng 10-15 phút để ổn định chỗ ngồi và đổi tên trên màn hình thành tên thật của mình. 

5. Có một kế hoạch dự phòng

Dù đã kiểm tra camera, micro và tín hiệu kết nối vô cùng kỹ lưỡng trong quá trình chuẩn bị nhưng cả bạn và người phỏng vấn vẫn có thể gặp phải một số trục trặc về kỹ thuật ngay vào những thời khắc quan trọng. Vì vậy, trước khi phỏng vấn, hãy liên hệ với người phỏng vấn của bạn và thống nhất một kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra trục trặc. 

Chuyển sang cuộc gọi điện thoại hoặc lên lịch phỏng vấn lần 2 đều là những giải pháp khả thi trong trường hợp này. Đừng hoảng sợ hay tỏ ra mất bình tĩnh khi phần mềm của bạn gặp sự cố. Nếu vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát, người phỏng vấn sẽ thông cảm cho bạn thôi mà.

6. Theo dõi sau phỏng vấn

Ngay sau cuộc phỏng vấn, bạn sẽ cần gửi thư cảm ơn cho người phỏng vấn. Không nên sử dụng một mẫu email viết sẵn chung chung để gửi cho tất cả những người phỏng vấn. Hãy cá nhân hóa nội dung thư cảm ơn của bạn để thể hiện sự chuyên nghiệp.

Một vài ngày sau, nếu bạn không nhận được phản hồi từ người phỏng vấn, hãy chủ động liên hệ với họ qua email hoặc số điện thoại để hỏi xem quá trình tuyển dụng cho vị trí này đã kết thúc hay chưa và tìm hiểu xem họ có cần thêm thông tin gì từ bạn không. 

» Tham khảo: Cách viết thư cảm ơn sau phỏng vấn

Chúng tôi hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về phỏng vấn online, cụ thể là những thứ cần chuẩn bị và biết cách làm thế nào để vượt qua vòng phỏng vấn này một cách xuất sắc. Chúc bạn thành công.

Xem những vị trí KFC đang tuyển dụng » TẠI ĐÂY


Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả