Loading: %
Close
Menu

9 Mẹo kiểm soát cảm xúc tiêu cực trong bạn hiệu quả!

Mục lục bài viết

Mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với nhiều cung bậc cảm xúc, từ phấn khích, vui sướng, hạnh phúc đến lo âu, tức giận, xấu hổ, đau đớn,... Dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực thì chúng ta vẫn cần phải học cách kiểm soát cảm xúc để chúng không ảnh hưởng quá nhiều khi giao tiếp và làm việc. Thật may mắn là chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc bằng một số kỹ thuật dựa trên các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần dưới đây.

Kiểm soát cảm xúc

Vì sao phải kiểm soát cảm xúc tiêu cực?

Tức giận, sợ hãi, phẫn uất, thất vọng và lo lắng là những trạng thái cảm xúc tiêu cực mà nhiều người thường xuyên phải trải qua. 

Mặc dù những cảm xúc tiêu cực này là hoàn toàn tự nhiên, nhưng chúng lại vô tình tạo thêm căng thẳng cho cả thể chất và tinh thần của bạn. Nếu những căng thẳng này trở thành mãn tính sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe như:

  1. Cơ thể bị rối loạn cân bằng hormone;
  2. Làm cạn kiệt các hóa chất não cần thiết để sản sinh hormone hạnh phúc Dopamine;
  3. Làm hỏng hệ thống miễn dịch;
  4. Làm giảm tuổi thọ: Khoa học hiện đã xác định rằng căng thẳng làm rút ngắn các telomere khiến chúng ta già đi nhanh hơn;
  5. Tăng huyết áp (huyết áp cao);
  6. Bệnh tim mạch;
  7. Nhiễm trùng.

Đó mới chỉ là những ảnh hưởng về mặt thể chất mà thôi. Còn xét về mặt tinh thần, những trạng thái cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta có cái nhìn không tốt với chính mình và với người khác. Đồng thời, chúng còn làm bạn giảm sự tự tin vào bản thân và giảm nhiệt huyết vào cuộc sống.

» Có thể bạn muốn đọc về: Tư duy phản biện

Kiểm soát cảm xúc tiêu cực

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả

Kiểm soát cảm xúc không đồng nghĩa với việc bạn phải tìm mọi cách kìm nén không cho bản thân bộc lộ cảm xúc, mà là học cách thể hiện chúng một cách an toàn và lành mạnh. Cảm xúc bị kìm nén lâu ngày có thể gây ra các bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần như lo lắng hoặc trầm cảm. 
Dưới đây là 4 cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả dựa trên các nghiên cứu khoa học về sức khỏe tâm thần, bao gồm:

1. Kiểm soát cảm xúc bằng cách thả lỏng cơ thể

Ngay khi nhận thấy cảm xúc của bạn có dấu hiệu tiêu cực, chẳng hạn như mặt nóng bừng, người bồn chồn, tim đập nhanh, hơi thở loạn nhịp,...Hãy thực hiện ngay phương pháp thả lỏng cơ thể dưới đây để kiểm soát cảm xúc về lại trạng thái cân bằng một cách tức thời:

  1. Nhắm mắt, mở lòng bàn tay và giãn cơ bả vai;
  2. Hít một hơi thật sâu, đầu ngửa lên trên một góc 30-45° để tiếp nhận ánh sáng. Khi bạn nhận được năng lượng chữa lành, bạn sẽ cảm thấy bản thân trở nên tươi sáng hơn;
  3. Thở ra hoàn toàn để giải phóng mọi trạng thái hoặc cảm giác tiêu cực. 

Kiểm soát cảm xúc bằng cách thả lỏng cơ thể

2. Kiểm soát cảm xúc bằng cách thẩm định lại

Thẩm định lại nghĩa là thay đổi cách bạn nghĩ về một cảm xúc tiêu cực trước khi có phản hồi với người khác.

Ví dụ, nếu bạn mắc sai lầm và cảm thấy thất vọng, bạn có thể nói với bản thân rằng đó là một kinh nghiệm học tập, và sau đó bạn sẽ có nhiều khả năng có phản ứng tích cực thay vì phản ứng tiêu cực. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể thúc đẩy tư duy phát triển.

3. Kiểm soát cảm xúc thông qua ngôn từ

Chắc hẳn chính bạn sẽ cảm thấy tức giận khi bị ai đó chê thẳng mặt hoặc dùng lời lẽ xúc phạm đúng không nào? Nếu bạn không muốn đón nhận cảm xúc tiêu cực như vậy thì bạn cũng không nên đối xử với người khác theo cách tương tự. Khi đó cả bạn và người đối diện đều có thể gia tăng trạng thái cảm xúc tích cực.

Ví dụ: Thay vì nói “Đây là ý tưởng điên rồ gì vậy? Tôi phản đối ý kiến này bởi vì…”, bạn có thể chuyển sang cách nói tích cực hơn mà vẫn giữ nguyên nội dung chính trong câu đó, chẳng hạn như “Tôi thấy ý tưởng này có rất nhiều điểm mới lạ, tuy nhiên tôi nhận thấy còn một vài nội dung chưa thực sự phù hợp, đó là…”.

Ngoài ra, nếu bạn là người hay kể khổ với người khác về những khó khăn, căng thẳng mà bạn đang gặp phải, hãy bỏ thói quen xấu này ngay hôm nay. Khi bạn kể cho người này người kia, họ chỉ ngồi nghe chứ chẳng giúp được gì cho bạn đâu, tức là cho dù bạn kể hay không kể thì vấn đề cũng chẳng có gì thay đổi.

Chưa hết, nếu đối phương là người bận rộn, họ sẽ đánh giá bạn là người phiền toái nữa đấy. Thay vì dành thời gian cho việc vô bổ, tại sao lại không tự động viên, thúc đẩy tinh thần của mình thông qua các dạng ngôn từ tích cực?.

Kiểm soát cảm xúc thông qua ngôn từ

4. Kiểm soát cảm xúc bằng cách rèn luyện sự tự tin

Tự tin là cảm giác tin tưởng vào năng lực, phẩm chất và khả năng phán đoán của bản thân. Nghiên cứu cho thấy rằng sự tự tin rất quan trọng đối với sức khỏe tâm lý. Thiếu tự tin thường đi đôi với cảm xúc tiêu cực, bởi vậy người thiếu tự tin lúc nào cũng cho rằng “Mình không làm được’, “Mình xấu xí”. Chính suy nghĩ đó của họ lại là nguyên nhân khiến họ trở nên cáu gắt, tức giận vô cớ. 

Ngược lại, người tự tin sẽ luôn nhìn thấy cơ hội ẩn sau khó khăn, cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Bởi vậy họ luôn mang trong mình nguồn năng lượng tích cực và không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những đánh giá, nhận xét ác ý của người khác.

Nếu bạn cảm thấy mình chưa đủ tự tin về bất cứ điều gì, chúng tôi xin đưa ra một vài biện pháp giúp bạn thúc đẩy sự tự tin từ sâu bên trong:

  1. Ngừng ngay việc đem bản thân ra so sánh với người khác;
  2. Kết thân với những người bạn có suy nghĩ tích cực;
  3. Thay vì nói với bản thân rằng "Tôi không thể giải quyết việc này" hoặc "Điều này là không thể", hãy tự nhắc nhở bản thân rằng "Tôi có thể làm được việc này";
  4. Đối mặt với sự sợ hãi.

 

Kiểm soát cảm xúc bằng cách rèn luyện sự tự tin

Một số mẹo giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn

Sau khi bạn đã học cách phát hiện ra các dấu hiệu tinh thần và thể chất của cảm xúc, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau để thực hành kiểm soát cảm xúc tốt hơn. 

1. Ngủ đủ giấc

Người ta đã chứng minh rằng thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng tự điều chỉnh, nghĩa là bạn sẽ khó kiểm soát hơn các phản ứng đối với cảm xúc của mình. Đó là lý do tại sao bạn hay cáu kỉnh khi mệt mỏi. Đôi khi, những cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn không ngủ được và tạo ra một vòng luẩn quẩn thúc đẩy vấn đề này hơn nữa. 

2. Trò chuyện với người khác 

Chúng ta có thể sử dụng các mối quan hệ lành mạnh để điều chỉnh cảm xúc bằng cách tâm sự với một người bạn đáng tin cậy hoặc một người thân yêu trong gia đình. Đó là lý do tại sao bạn thường cảm thấy tốt hơn sau khi trút bầu tâm sự với một người khác. 

Giao tiếp xã hội có thể giúp bạn xoa dịu tâm trí và thậm chí có thể giúp điều chỉnh phản ứng vật lý của cơ thể đối với cảm xúc.  Nếu bạn không có cơ hội gặp mặt mọi người trực tiếp để trút bầu tâm sự, bạn có thể chọn cách gọi điện thoại, liên hệ qua Zoom vì chúng tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn.

Trò chuyện với người khác

3. Viết nhật ký cảm xúc 

Hãy ghi lại những suy nghĩ của bạn vào một cuốn nhật ký. Viết nhật ký cảm xúc rất tốt cho việc kiểm soát cảm xúc. Theo thời gian, bạn có thể nhìn lại các mục này để xem có bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào xuất hiện hay không. 

4. Hãy khóc nếu bạn thấy cần

Kiềm chế cảm xúc không thực sự tốt. Nếu bạn cảm thấy buồn, hãy cứ thoải mái bộc lộ cảm xúc bằng cách khóc thật to bởi vì sau khi khóc xong, cảm xúc của bạn sẽ trở nên dễ chịu hơn. Nhưng nếu bạn cảm thấy buồn mà không thể khóc được, bạn có thể xem một bộ phim cảm động, đọc sách văn học hoặc nghe nhạc buồn để giúp bạn rơi nước mắt.

5. Giải tỏa căng thẳng

Hãy lưu ý đến cách bạn thể hiện cảm xúc tiêu cực của mình với người khác, tránh gây ra hành vi đi quá giới hạn. Ví dụ, khi bạn cảm thấy tức giận với người thân, bạn có thể giải tỏa cơn giận bằng cách tập thể dục cường độ cao hoặc la hét vào gối, thay vì hét to vào mặt họ, đập phá đồ đạc hoặc đấm vào tường. 
Nếu bạn đang nói chuyện với ai đó và cảm thấy khó chịu, hãy tạm dừng cuộc trò chuyện và quay trở lại khi bạn có thể bộc lộ cảm xúc một cách thích hợp. 

Kiểm soát cảm xúc tưởng dễ nhưng lại là một việc rất khó khăn với rất nhiều người. Nếu bạn đang phải vật lộn với việc kiểm soát cảm xúc tiêu cực, hãy an ủi bản thân rằng đây là điều rất bình thường và thực hành theo 5 mẹo mà chúng tôi vừa gợi ý trong bài viết trên để có thể nắm bắt được cảm xúc của mình. Trong khi chờ đợi mọi thứ tốt lên, đừng quên chăm sóc cơ thể và chăm sóc cả sức khỏe tinh thần của bạn nữa nhé.

Tham khảo các vị trí KFC đang tuyển dụng » TẠI ĐÂY

 

Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả