Loading: %
Close
Menu

Viral Marketing là gì? Các bước triển khai Viral Marketing cụ thể!

Mục lục bài viết

Viral Marketing là cách nhanh nhất giúp thương hiệu tiếp cận với lượng lớn khách hàng trong thời gian ngắn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn Viral Marketing là gì và các bước triển khai kế hoạch Viral marketing đem lại hiệu quả cao nhất nhé.  

» Tìm hiểu thêm: Digital Marketing là gì?

Viral Marketing là gì?

Viral Marketing hay Tiếp thị lan truyền là một chiến lược Digital Marketing có khả năng tác động đến hành vi chia sẻ từ người này sang người khác một cách nhanh chóng giống như cách virus lây lan trong một quần thể. 

Mục tiêu của chiến dịch tiếp thị lan truyền là tiếp cận càng nhiều người càng tốt thông qua truyền miệng và chia sẻ xã hội. Để đạt được mục tiêu này thì điểm mấu chốt ở đây chính là nội dung. 

Nội dung có thể tồn tại ở rất nhiều hình thức, chẳng hạn như video, hình ảnh, slogan hoặc một bài viết nào đó trên website,...Chỉ cần nội dung chạm tới cảm xúc của khách hàng, bất kể là cảm xúc tích cực hay tiêu cực, thì đều có thể tạo được tính viral. Từ đó thúc đẩy người xem tìm hiểu nhiều hơn về thương hiệu và sản phẩm của bạn.

Một trong những đặc điểm nổi bật của các chiến dịch tiếp thị lan truyền là mặc dù doanh nghiệp phải trả chi phí trả trước cho việc tạo và sản xuất nội dung, nhưng nó lại dựa vào các phương tiện truyền thông xã hội (Facebook, Youtube, TikTok,...) để phân phối nội dung chứ không phải các mô hình phân phối trả phí. 

Trước đây, quảng cáo truyền miệng chỉ xảy ra trong bối cảnh các cuộc trò chuyện riêng tư giữa gia đình và bạn bè, và buzz marketing dựa trên các phương tiện truyền thông tốc độ thấp như báo chí để quảng cáo trên quy mô lớn.

Ngày nay, tiếp thị lan truyền diễn ra thông qua các kênh tiếp thị kỹ thuật số, nơi mà người dùng tương tác với nội dung tiếp thị và chia sẻ nội dung đó trên các nền tảng xã hội. Nếu một phần nội dung được chia sẻ bởi một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội hoặc người nổi tiếng, rất có thể nội dung đó sẽ trở nên viral. Bởi chỉ cần một lượt chia sẻ trên mạng xã hội cũng có thể dẫn đến hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu lượt xem, lượt chia sẻ và các loại tương tác khác. Nói chung, nội dung được chia sẻ càng nhanh thì càng có nhiều khả năng lan truyền và nhận được sự chú ý của cộng đồng.

» Có thể bạn quan tâm: Inbound Marketing là gì?

Lý do nên áp dụng Viral Marketing

Trong thời đại công nghệ 4.0, Viral Marketing có thể là một trong những cách hiệu quả nhất để các tổ chức, doanh nghiệp truyền tải thông điệp của họ đến nhiều đối tượng. Có 3 lợi ích chính của tiếp thị lan truyền khiến nó trở thành một phương pháp tiếp thị ngày càng phổ biến, đó là:

1. Hiệu quả về chi phí

Một chiến dịch tiếp thị lan truyền được lập kế hoạch tốt chính là một cách tiết kiệm chi phí để truyền bá thông điệp của bạn đến những khách hàng tiềm năng. Tương tự như các chiến lược tiếp thị khác, viral marketing cũng yêu cầu doanh nghiệp phải chi trả tất cả các loại chi phí phục vụ cho việc sản xuất nội dung, thế nhưng chi phí phân phối thì lại thấp hơn rất nhiều so với các phương pháp quảng cáo truyền thống như báo in, bảng quảng cáo hoặc truyền hình.

- Viral Marketing là không xâm phạm

Lấy ví dụ đơn giản như này, bạn đang xem một bộ phim trên YouTube nhưng cứ 3-5 phút lại có một đoạn quảng cáo chèn vào giữa. Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì chúng đang ngăn cản bạn làm những gì bạn muốn, phải không nào? 

Ngược lại, trong một chiến dịch viral marketing, bạn và những người dùng khác sẽ nhận được nội dung lan truyền trực tiếp từ gia đình, bạn bè thông qua các trang mạng xã hội. Điều này cho phép bạn kiểm soát thời gian cũng như kiểm soát xem liệu mình có nên chia sẻ hoặc tham gia vào chiến dịch này hay không.

- Tiếp cận một lượng lớn khán giả

Một chiến dịch tiếp thị lan truyền thành công có thể đạt hàng triệu lượt xem toàn cầu, thậm chí thu hút sự chú ý từ các phương tiện truyền thông chính thống. 

Bạn vẫn còn nhớ giai điệu gây ám ảnh “Bạn muốn mua Tivi…Đến Điện Máy Xanh…u-woa u-woa” cách đây 6 năm của Điện Máy Xanh chứ? Nếu có thì bạn chính là một trong số hàng triệu khách hàng đã bị Điện Máy Xanh quyến rũ thông qua chiến dịch quảng cáo viral vô cùng hiệu quả này. 

Theo thống kê từ Buzzmetrics, lượng tương tác khủng mà viral TVC này đem về cho Điện Máy Xanh là 167.464 lượt thích, 14.304 lượt bình luận và 15.068 lượt chia sẻ chỉ trong vòng 9 ngày kể từ khi ra mắt. Đây cũng chính là video xếp thứ 2 trong top 10 video có lượt xem nhiều nhất châu Á cùng thời điểm. 

Các bước triển khai Viral Marketing cụ thể

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích kỹ hơn 5 bước cần làm để triển khai một chiến dịch viral marketing. Ngoài ra, nhằm giúp bạn dễ vận dụng hơn, chúng tôi cũng sẽ phân tích kèm theo case study, cụ thể là chiến dịch viral marketing “Baby Shark” của Shopee.

Bước 1: Nghiên cứu khách hàng & thị trường

Không chỉ riêng Viral Marketing mà tất cả các chiến dịch Marketing nói chung nếu muốn thành công thì đều phải lấy khách hàng làm trung tâm. Vì vậy, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất chính là nghiên cứu xem khách hàng của mình đang cần gì ở thời điểm hiện tại. Từ đó mới có thể lên kế hoạch nội dung nhằm mang lại hiệu quả tối đa. 

Bên cạnh việc hiểu khách hàng, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu thị trường thật kỹ trước khi tung ra sản phẩm Viral Marketing. Ít nhất thì bạn cũng phải hiểu được người dùng thích và không thích những gì. Đừng quên tận dụng những trends đang hot tại thời điểm đó để sản xuất ra những sản phẩm viral cao.

Vào cuối năm 2018, Shopee cho ra mắt TVC khoảng 30 giây dựa trên nền nhạc Baby Shark với sự góp mặt của 2 KOL là ca sĩ Bảo Anh và thủ môn Bùi Tiến Dũng. Chiến dịch này của Shopee quả là hội tụ đủ cả 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong đó:

- Thiên thời: Năm 2018 là năm đầu tiên Chính phủ Việt Nam cho phép doanh nghiệp được giảm giá tới 100%. Nhân cơ hội này, các doanh nghiệp TMĐT bắt đầu tìm cách đẩy mạnh doanh số bằng việc tung ra hàng loạt chính sách chiết khấu, deal chớp nhoáng, hay ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng thanh toán bằng ví điện tử. Nhờ đó mà doanh thu qua hoạt động TMĐT tăng 30% so với năm 2017, đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6 trong top 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới. 

- Địa lợi: Giai điệu mà Shopee sử dụng trong toàn bộ viral TVC chính là bài hát Baby Shark - bài hát thiếu nhi vốn đã “làm mưa làm gió” trên toàn thế giới ở thời điểm trước đó. Việc Shopee chọn một bài hát thiếu nhi cũng được đánh giá là một quyết định khôn ngoan: nhạc thiếu nhi không những ngắn gọn, bắt tai mà lại dễ thuộc. Đây trùng hợp lại chính là công thức hoàn hảo làm nên sự thành công cho các chiến dịch viral.

- Nhân hòa: Sau thành công của đội tuyển U23 Việt Nam trong trận Chung kết U23 Châu Á diễn ra tại Thường Châu vào năm 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng chính là cái tên được săn đón nhiều nhất với số lượng người yêu thích không kém gì minh tinh hạng A. Sự xuất hiện của anh cùng ca sĩ Bảo Anh trong TVC quảng cáo của Shopee đã thành công thu hút sự chú ý từ phía công chúng. 

Bước 2: Chọn thông điệp quảng cáo

“Gì cũng có, mua hết ở Shopee” là thông điệp chính mà Shopee lựa chọn để truyền tải tới công chúng thông qua chiến dịch Viral Marketing lần này. Kể cả đến tận thời điểm này, khi mà đoạn TVC đã phát sóng được gần 4 năm thì thông điệp của Shopee vẫn rất chính xác và hiệu quả, đưa Shopee trở thành sàn TMĐT có số lượng người dùng lớn nhất Việt Nam.

Bước 3: Xây dựng nội dung

Đây là bước đặc biệt quan trọng, có khả năng quyết định sự thành công hay thất bại của chiến dịch Viral Marketing. Bởi nếu bạn chọn được một thông điệp rất hay, rất ý nghĩa nhưng nội dung lại không làm nổi bật được thông điệp thì cũng rất khó biến nó trở nên viral.

Nội dung có thể được triển khai dưới dạng hình ảnh, video, bài viết…miễn sao phù hợp với định hướng của doanh nghiệp là được. Thông thường, nội dung của những chiến dịch Viral Marketing thành công thường là những đề tài, sự kiện gây ra nhiều luồng quan điểm trái chiều. 

Trong chiến dịch “Baby Shark”, hình thức triển khai nội dung mà Shopee lựa chọn là dạng TVC. Nội dung của TVC chủ yếu tập trung vào nền nhạc và điệu nhảy dễ thương được trình diễn bởi 2 nhân vật nổi tiếng. 

Bước 4: Phân phối nội dung

Bạn muốn nội dung quảng cáo của mình trở nên viral? Trước tiên hãy chủ động đăng tải nội dung thông qua các kênh truyền thông phù hợp. Đây là bước quan trọng mà bạn cần làm ngay sau khi sản xuất và kiểm định nội dung, bởi nếu nội dung không được phân phối thì làm gì có ai biết đến và chia sẻ nó.

Quay trở lại với case study của Shopee, nội dung TVC được phân phối ở tất cả các kênh như:

- YouTube;

- Diễn đàn và Group trên Facebook;

- KOL

- Truyền hình;

- Quảng cáo trên màn hình LED.

Bước 5: Đánh giá & theo dõi chiến dịch

Không phải chiến dịch Viral Marketing nào cũng có thể mang lại thành công như mong đợi. Đôi khi có những chiến dịch được đầu tư với ngân sách thấp thì lại trở nên viral, còn những chiến dịch được đầu tư với ngân sách hàng tỷ đồng thì vẫn thất bại như thường. Đó là bởi vì doanh nghiệp không thể kiểm soát được phản ứng của công chúng đối với nội dung quảng cáo. Thế nên sau khi nội dung được phân phối thì nhiệm vụ tiếp theo mà người làm Marketing cần bắt tay vào làm ngay đó chính là theo dõi và đánh giá chiến dịch.

Chiến dịch của bạn sẽ rơi vào 1 trong 3 trường hợp sau:

- Chiến dịch viral & phần lớn người dùng có phản ứng tích cực: Đây là một kết quả trên mức tuyệt vời. Nhiệm vụ lúc này của bạn là theo dõi chỉ số và ghi nhận ý kiến đóng góp của người dùng để tối ưu cho những chiến dịch sau.

Chiến dịch “Baby Shark” của Shopee chính là một ví dụ điển hình. Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi TVC này được tung ra, từ khóa liên quan đến Shopee đã tăng gấp 3 lần, lưu lượng truy cập trang web và tải app tăng 30%, đưa Shopee vươn lên vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.   

- Chiến dịch viral & phần lớn người dùng có phản ứng tiêu cực: Đây là trường hợp xấu nhất mà một chiến dịch Viral Marketing có thể gặp phải. Chiến dịch càng viral thì doanh nghiệp càng dễ bị tẩy chay, thậm chí bị xóa sổ khỏi thị trường. Lúc này các marketer cần nhanh chóng đính chính thông tin và phát thông cáo báo chí để an ủi dư luận. Sau đó phối hợp hàng loạt nỗ lực để lấy lại danh tiếng.

Một ví dụ điển hình của trường hợp này là video viral của Burger King với nội dung quảng cáo về một loại bánh burger mới nhưng ăn bằng đũa. Thông điệp không mấy tinh tế của Burger King đã khiến nhãn hàng này bị tẩy chay đồng loạt ở nhiều quốc gia Châu Á, nơi mà văn hóa ăn uống chủ yếu dùng đũa chứ không dùng dao nĩa như ở Châu Âu. Hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu vì cho rằng Burger King đang chế giễu văn hóa phương Đông. Ngay sau đó nhãn hàng đã phải lập tức xóa video và lên tiếng xin lỗi.

- Chiến dịch thất bại: Lúc này bạn cần tham khảo ý kiến từ phía người dùng xem những yếu tố nào khiến nội dung của bạn không được thu hút để cải thiện cho những chiến dịch sau đó.

Đọc đến đây, bạn đã hiểu Viral Marketing là gì và các bước triển khai một chiến dịch Viral Marketing từ A-Z rồi chứ? Đây không phải hình thức marketing quá mới mẻ trên thế giới hay ở tại Việt Nam, nhưng nó thực sự giúp tên tuổi của thương hiệu được lan tỏa mạnh mẽ đến với lượng lớn khách hàng tiềm năng. 

» Đừng quên tìm hiểu thêm về: Marketing Mix


Tìm việc làm

Việc làm khác

CÔNG TY LIÊN DOANH TNHH KFC VIỆT NAM

Mã số thuế: 0100773885 - Ngày cấp:29/10/1998 - Nơi cấp: Cục Thuế Thành Phố Hà Nội

Địa chỉ: Số 292 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Số điện thoại: (028) 38489828 - Email:job@kfcvietnam.com.vn

Tra cứu kết quả